Bánh khoai nướng: đặc sản quà quê chợ gốm làng cổ Bát Tràng

Những chiếc bánh tròn xinh màu vàng, màu tím xuất hiện gần như trên mọi sạp bán quà vặt ở chợ gốm làng cổ Bát Tràng hóa ra có tên gọi là Bánh khoai nướng, một món quà quê đặc biệt chỉ xuất hiện ở khu chợ này… Những ai thích ăn khoai lang, một món quà quê xưa kia và nay trở thành món quà vặt mắc tiền sẽ vô cùng thích thú và ngạc nhiên khi được nếm một chiếc bánh khoai nướng tại khu chợ gốm làng cổ Bát Tràng.

Những ai thích ăn khoai lang, một món quà quê xưa kia và nay trở thành món quà vặt mắc tiền sẽ vô cùng thích thú và ngạc nhiên khi được nếm một chiếc bánh khoai nướng tại khu chợ gốm làng cổ Bát Tràng.

Đây là món quà có trong mọi sạp hàng quà vặt trong khu chợ gốm làng cổ Bát Tràng và thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách nếu không nói ai tới đây hoặc nhóm nào ghé thăm cũng đều dùng thưởng thức hoặc mua về làm quà.

Món quà quê “chống đói” mang sắc màu và hình hài hiện đại

 Thật ngạc nhiên khi một món ăn ngày xưa được coi là món… chống đói của bà con nông dân Việt Nam ta rồi trở thành món quà quê ăn vặt được các bà các chị gánh gồng lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố rao bán như một món quà ăn cho lạ miệng dân thành phố nay lại trở thành một món ăn mắc tiền được tìm kiếm của dân nhà giàu với mục đích: giảm cân và chống táo bón. Thú vị hơn, khi về khu chợ gốm làng cổ Bát Tràng nó lại “hiện ra” vô cùng bắt mắt với màu sắc sinh động và mang một hình dáng đáng yêu: bánh khoai nướng màu tím, màu vàng.

Cũng là củ khoai tím nằm lăn lóc ở xó gầm giường xưa hay củ khoai vàng nằm lay lắt nơi thúng hàng của thím, của mợ nào đó trong góc chợ quê vậy mà nay, chỉ qua sự sáng tạo vì mưu sinh của những người dân ấy chúng “biến hình” trở thành những chiếc bánh đáng yêu chả khác gì những chiếc bánh mang rất nhiều sắc màu được nặn, được vẽ lên nhiều họa tiết trang trí trong các tủ bánh sang trọng ngoài phố.

Chỉ những ai là “tín đồ”… của khoai lang mới cảm nhận được cái thú khi cắn miếng đầu tiên vào chiếc bánh khoai nướng tại khu chợ gốm làng cổ Bát Tràng vì biết chắc đó là bột khoai một trăm phần trăm không có phẩm màu hay pha tạp các loại bột khác: nó thơm mùi đặc trưng và cái vị khoai lang nướng tan vào trong miệng không thể lẫn vào đâu được.

Theo các bà các chị bán hàng ở khu chợ gốm làng cổ Bát Tràng thì nguyên liệu của chiếc bánh khoai nướng tại đây có xuất sứ mãi tận… Lâm Đồng. Có nghĩa rằng các củ khoai được nhập về từ nơi rất xa chứ không phải được trồng tại làng. Nó là hai loại khoai tím và khoai vàng.

Trước khi đưa vào nồi để luộc, các của khoai sẽ được chọn lọc cẩn thận để loại những củ bị hư hỏng, úng, mầm vì nếu lẫn vào thì cả mẻ khoai coi như hỏng, mà hỏng thì “ế” và… mất khách mua. Thế nên các bà các chị sẽ rất cẩn thận chọn những củ khoai tươi ngon, rửa, kỳ cọ cho thật sạch rồi cho vào nồi luộc chín. Sau đó bóc vỏ thật sạch. Cho ra nghiền nhuyễn. Rồi đổ vào khuôn nén thật chặt và rắc vừng lên sao cho miếng khoai không bị rời, không bị rơi vỡ khi di chuyển hay cầm trên tay. Khâu cuối cùng là cho chiếc bánh thành phẩm xinh xắn lên lò nướng qua cho phần bên ngoài bánh khô đều, tạo thành lớp vỏ bọc nhẹ bên ngoài bánh.

Đặc biệt khi làm và chế biến món bánh khoai là tất cả mọi dụng cụ cùng nguyên liệu phải thật sạch vì nếu không của khoai vốn nằm dưới đất, bám đất và bụi bẩn khi di chuyển, quăng quật, thêm vào các dụng cụ cũng dễ bị bụi bám vào, chỉ cần sơ ý bột bánh sẽ có sạn, ăn càn cạt trong miệng thì coi như mẻ bánh vứt đi.

Nếu ai đã ăn một chiếc bánh khoai nướng tại khu chợ gốm làng cổ Bát Tràng mới thấy nó đậm đà và khá là chắc dạ, có nghĩa nó được nén chặt bằng bột khoai nghiền nhuyễn nên sẽ tốn nhiều bột khoai cho một chiếc bánh. Và xem như những bà con làm bánh và bán bánh khoai nướng nơi đây phải trả khá nhiều chi phí: mua khoai, luộc khoai, nướng khoai và công sức bỏ ra để có một chiếc bánh khoai nướng thơm ngon. Khi bán chiếc bánh cho du khách thưởng thức: ăn một lần là nhớ mãi xem như bà con chỉ lấy công làm lãi.

Bình luận của bạn