Bánh khúc và Tết Cùng ở Thái Bình
Người ta vẫn đi lượm khúc vì có thể cần một mẻ bánh mới trong cái lạnh đầu đông. Khúc bạc, đậu xanh, nếp cái hoa vàng. Nào thì giã lá, xay bột, nào thì ngâm gạo, ngâm đỗ xanh, thịt ba chỉ hạt tiêu nữa chứ. Hì hục cả buổi cũng đã có mẻ bánh thơm ngon nức lòng người thưởng thức.
Tết Cùng là cái tết cuối tháng giêng, tương truyền khi danh tướng Nguyễn Tất Ứng đánh thắng giặc trở về vùng Thư Trì năm xưa, Tết đã qua mà giêng hai năm ấy giáp hạt, ông khao quân bằng những chiếc bánh ít gạo nếp mà nhiều lá khúc, món bánh này đối với người dân hôm nay đã trở thành món trân quý không dễ gì thay thế được.
Ở xã An Lão huyện Thư Trì xưa (nay là xã Song An, Vũ Thư) có tục cuối tháng giêng, cả làng ăn Tết Cùng, làm bánh khúc (còn gọi là bánh Hú). Tương truyền, ngày xưa danh tướng Nguyễn Tất Ứng sau khi đánh thắng giặc trở về quê thì đã qua Tết Nguyên đán, ông muốn khao quân nhưng cuối giêng đầu tháng hai giáp hạt, gạo nếp không đủ nấu xôi. Lúc bấy giờ mưa xuân đang bay và lấm tấm bên những thửa ruộng trơ gốc rạ là rau khúc xanh non, ông nghĩ ra việc hái rau khúc đồ làm bánh, chõ bánh mở ra thơm ngát. Từ đó thành lệ cứ Tết Cùng là cả làng hái rau khúc làm bánh.
Tết Cùng giờ đây no đủ hơn, người ta mổ lợn giết gà, đánh cá, với mâm cỗ thịnh soạn cúng gia tiên, trời đất, nhưng bánh khúc vẫn là món chính, một sản vật trân quý, nâng niu, không dễ gì thay thế.
Mùa rau khúc vắt qua Tết âm lịch như thể loài cây này muốn khẳng định rằng nó đi qua cả vụ đông xuân cùng với lúa. Nói vậy, là vì vụ tháng 10 gặt xong, có khi cả cánh đồng trơ gốc rạ thật lâu, rau khúc đã mọc lên từ những gốc rạ ấy. Rau khúc mục lên từ mặt ruộng khô nẻ vì hanh heo mùa đông. Thế mà loài cây này vẫn chắt chiu chút sương gió ấy để vươn mình lên với màu áo bạc. Nếu rau khúc mọc trong những ruộng này thì cây thường nhỏ, cằn, dù rất ngắn đã lên hoa.
Người ta vẫn đi lượm khúc vì có thể cần một mẻ bánh mới trong cái lạnh đầu đông. Khúc bạc, đậu xanh, nếp cái hoa vàng. Nào thì giã lá, xay bột, nào thì ngâm gạo, ngâm đỗ xanh, thịt ba chỉ hạt tiêu nữa chứ. Hì hục cả buổi cũng đã có mẻ bánh thơm ngon nức lòng người thưởng thức.
Thế nhưng, sau khi đất được cày phơi ải thì khúc đã mọc vui như đi hội, khúc mọc lan từ những luống cày, cây to và dài hơn nhiều, cành lan ra cả luống bên chứ không ngoa. Lá xanh, bạc, đọng những hạt sương mai. Đất cày ải, mưa dông mùa đông, rồi gió xuân, mưa xuân, cái độ giao mùa này, đất trời tặng cho khúc thì phải khiến cho cái loài cây chả ai gieo trồng, cất giống mà cứ mọc lên, mọc lên mãi hết vụ này qua vụ khác. Bên trong các cánh đồng cũng có khúc, ngoài đất bãi cũng có khúc. Khúc vào mùa xuân, sớm nào cũng ăn ăm ắp sương đêm nên lớn trông thấy. Người đi nhặt rau, có khi đợi 2-3 hôm sau mới hái để khúc lớn thêm, dài ra, cho dôi, cho màu mẻ bánh thêm xanh đậm đà. Bọn trẻ chăn trâu hay hái rau khúc, cho vào cái túi đeo lên sừng trâu mang về nhà.
Rau khúc bên bãi, khác hẳn khúc đồng. Khúc dài và mảnh mai hơn, chứ khúc đồng thì cả cây, cả búi, cả chùm, ngọn dài lan cả mặt đất. Hoa đợt đầu đã rụng từ bao giờ, kết hạt rụng vào trong đất đợi mùa sau, hoa đợt hai cũng vậy, hoa đợt 3- 4 nở xinh đến duyên dáng, lúc này là cây rau ‘’ bánh tẻ’’. Loại rau thời điểm này làm bánh ngon nhất.
Rau được giã nát, nước màu xanh thẫm, vị thơm, rau trộn với bột gạo nếp, thành màu xanh thẫm, bao lấy đậu xanh đồ chín, chính giữa là miếng thịt lợn ba chỉ rắc muối tiêu đậm đà. Chiếc bánh tròn ấy, xếp vào chõ, rắc lên trên gạo nếp thơm ngâm kĩ. Bánh chín, thì xôi cũng dẻo thơm.
Nhấm hạt xôi lép bép trong miệng, cắn miếng bánh dẻo thơm, bùi ngọt mà thấy hiện lên những cánh đồng, cánh bãi. Thấy mẹ, thấy em, thấy người thân yêu và thấy cả quê nhà phía trước, phía xa xôi hay là hiển hiện trước mắt.
Đúng là đất trời không phụ lòng người, khi xong vụ lúa, thóc đã đầy bồ, đậu xanh lòng còn nhiều, thịt lợn cũng không thiếu, thì đồng trên, bãi dưới lại có loài cây mọc dại này để mà cùng với gạo nếp, với bàn tay khéo léo mẹ và em đã làm ra loại bánh thơm ngon đặc biệt này. Không bao giờ là xen canh, chưa bao giờ là trồng cấy, rau khúc để làm ra bánh khúc độ mùa đông xuân, bánh khúc là thức quà quê nơi chợ làng để người ta tìm mua, để người ta ăn mà ngẩn ngơ, tấm tắc. Bánh thơm từ vị lá chuối gói , bánh đẹp bởi hình dáng và màu xôi trắng ngần bên trên. Bánh nóng ấm trong tay, hít hà rồi mới ăn. Ăn để mà nói "miếng ngon nhớ lâu’’, đúng thật!
Giờ đây, bánh khúc cũng có trên phố, có quanh năm. Người ta có thương hiệu, bảo rằng, hết vụ thì dùng rau ướp lạnh, lại có người bảo’’ ôi dào dùng lá bắp cải xu hào đấy, rau đâu mà nhiều thế’’. Thôi thì người phố, có thế nào thì chịu chứ người quê, cứ đến mùa thì lại được thưởng thức, đúng vị, đúng tình.
Ăn bánh trong cái lạnh mùa đông như cảm nhận được sự ngọt ngào của đồng đất quê nhà. Khiến người ta nhớ chuyện đồng áng, bếp lửa, nhớ những mùa vụ, nhớ cả khi thất bát, đói kém.
Nhớ để kể cho con cháu, để nhắc mình cẩn trọng, nhớ để cất giữ trong lòng, nhớ để viết ra mỗi khi lòng mình muốn.
Và những người con Thái Bình đã từng có một cái tết Cùng và bánh khúc trong cuộc đời thì sẽ nhớ đến loài cây dại trên đồng đất quê nhà, nhớ vị bánh thơm ngon ấy , lại hoài niệm, là mình đã có một quê hương, một truyền thống giữ đất giữ làng , để mà yêu thương , mà tự hào .