Chiều Đà Lạt thơm tho những chiếc bánh căn ấm giòn
Trong hành trình trải nghiệm những miền đất xa xôi, ẩm thực và văn hóa là thứ níu chân du khách không kém gì cảnh sắc thiên nhiên. Thậm chí, có những người bỏ ra vài năm trời để đi tìm hiểu về những món ăn của các vùng đất khác nhau mà chưa bao giờ biết chán. Đã đi nhiều rồi, chắc hẳn bạn không lạ gì Đà Lạt. Vậy, điều gì làm bạn nhớ nơi này? Với tôi, Đà Lạt là những chiều thơm thơm khói và tròn trịa những chiếc bánh căn ngon lành.
Đối với Đà Lạt, bánh căn đích thị là “kẻ nhập cư” từ nơi khác tới. Gốc rễ bánh căn không ở Đà Lạt, loại bánh ấy do người miền Trung bôn ba tứ xứ rồi tìm đến đây sinh sống, mang theo cả hương vị quê hương gắn bó với mảnh đất lạ thân quen này. Nhưng với Đà Lạt hôm nay, bánh căn như môt phần quen thuộc không thể thiếu. Ai đi xa về, ai nơi đâu tìm đến đều kiếm một quán bánh căn để thưởng thức hương vị miền Trung thấm biết bao đời ở cao nguyên xứ hoa này.
Bánh căn Đà Lạt
Người Đà Lạt rất khéo. Và họ còn có chất riêng. Nên bạn ăn bánh căn ở Đà Nẵng, Hội An sẽ khác với bánh căn ở Đà Lạt. Tôi không so sánh nơi nào ngon hơn, chỉ dám khẳng định qua bàn tay khéo léo của người Đà Lạt, bánh căn trở nên nhẹ nhàng, thanh đạm và ngon lạ lùng. Mỗi vùng miền mang một cảm nhận, một nét tinh túy dẫu rằng xuất phát từ thức quà cùng tên gọi.
Thẩn thơ đi quanh từng dốc phố sương, không quá khó để phát hiện ra một tiệm bánh căn nhỏ xinh khói bốc lên ấm áp. Chiếc lò than to sưởi cả một khoảng đất, xếp kín những khuôn tròn nóng rực để đúc bánh. Mỗi ngày qua đi, mỗi tháng qua đi, mỗi năm qua đi, không biết bao nhiêu chiếc bánh căn đã ra đời rồi để thương để nhớ về Đà Lạt.
Dừng chân lại ngay cả khi bụng còn chưa đói, hít hà cái vị bột bánh thơm thơm ngầy ngậy nhưng ăn vào chẳng hề chán, một buổi chiều dễ có khi xơi đến hai chục chiếc bánh nhỏ xinh cũng chẳng thấy khó khăn gì. Bánh căn Đà Lạt đơn giản, không cầu kì, chỉ cần nói qua loại có trứng cút, trứng vịt hay không trứng là vài phút sau có một chiếc đĩa xếp bánh gọn gàng trước mặt.
Được cái, cô chủ tiệm bánh căn nào cũng nhanh nhẹn. Vừa gọi bánh là thấy đôi thoăn thoắt rót bột gạo xay nhuyễn, lọc kỹ từ hôm qua ra những chiếc khuôn tròn. Sau đó là trứng vàng ươm, đập đều tay, lọt thỏm giữa khuôn bánh. Than lên nổ lốp bốp vui tai, cô hàng bánh lại liến thoắng nêm thêm giá đỗ vào, đậy nắp chờ bánh chín giòn rồi xếp cặp bầy ra đĩa. Một phần bánh căn hoàn hảo sẽ được dọn lên cùng với chén ớt, gia vị, chả lụa hay xíu mại, hấp dẫn vô cùng.
Giống như rất nhiều món ăn là nức tiếng ẩm thực Việt, nước chấm là linh hồn của bánh căn. Ăn bánh căn mà thiếu đi nước chấm ngon là coi như hỏng. Không phải vì bản thân bánh căn Đà Lạt không hấp dẫn mà ẩm thực Việt là vậy, ưu ái cho nước chấm đến độ sáng tác nên bao nhiêu món ăn tinh túy, gắn với nước chấm như da thịt, linh hồn.
Xếp bánh căn chờ thưởng thức. -Ảnh: Johny Võ
Dù nước chấm bánh căn không đắt đỏ, là nước mắm loại thường nêm nếm pha chanh đường cho vừa vị, thêm chút mỡ hành băm nhuyễn hoặc mắm nêm cay nồng, đậm đà ấy vậy mà chấm miếng bánh căn nào đã lòng đã ruột miếng ấy. Bạn cứ để ý mà xem, hàng nào khách đông nườm nượp là hàng ấy có thứ nước chấm gia truyền vừa ý lắm. Pha được nước chấm ngon là cả một nghệ thuật chứ chẳng đùa.
Gắp chiếc bánh tròn xinh giòn rụm lên rồi chấm, đưa vào miệng cắn một miếng, lớp bộp như tan ra. Những hương vị quen thuộc len lỏi từng giác quan của từ đầu lưỡi xuống đến dạ dày. Ấy là thứ bột gạo xay thơm tho, là trứng cút beo béo, là vị nước chấm chua, cay, ngọt hòa vị tan đều. Lâu lâu lên Đà Lạt chơi, thưởng thức bánh căn sao mà sướng thật sướng.
Giòn rụm và béo mầm những chiếc bánh thơm. -Ảnh: Johny Võ
Đà Lạt có nhiều tiệm bánh căn, mỗi tiệm lại có vị riêng. Vị của mỗi người khác nhau nên mình cũng không rõ các bạn sẽ hợp với quán nào. Nên, có dịp tới Đà Lạt mà tiệng đường ghé Nhà Chung, Tăng Bạt Hổ, Phan Đình Phùng… thì ăn bánh căn chơi cho biết. Hi vọng bạn sẽ thích và nhớ về Đà Lạt với món bánh dễ thương, dễ chịu này.
Đà Lạt dễ mến. Món ăn của Đà Lạt dễ đi vào lòng. Mải miết trên bao đoạn đường có những thứ để nhớ thương cũng là hạnh phúc. Bánh căn mang miền Trung đến với Đà Lạt, mang niềm vui đến cho những người ghé mảnh đất nơi đây, mang những đứa con xa trở về với tuổi thơ ấm áp, thơm tho vị bánh. Ôi, Đà Lạt và những chuyện kể thật dài…