Được gọi là bánh chả bởi vì chiếc bánh nhỏ xinh xinh màu vàng ươm, nhân thập cẩm được bao bên ngoài được bao bọc bởi bột mì rất giống với viên chả tịt băm. Giống như các loại bánh ngọt truyền khác, bánh chả thích hợp nhất là được thưởng thức cùng với trà nóng.
Món quà lâu đời của người Hà Nội
Bánh chả từ lâu đã trở thành món ăn vặt thân thuộc của người Hà Nội được yêu thích từ người già cho đến trẻ nhỏ. Không ai rõ bánh chả do ai tạo ra và có từ khi nào, chỉ biết ở khắp các phố phường Hà Thành trước kia đã có những gia đình chuyên sản xuất thủ công và buôn bán loại bánh này. Qua quá trình lâu dài, bánh chả đã là một trong những món ăn vặt truyền thống của con người đất Hà Thành.
Trong cái chớm lạnh đầu đông của Hà Nội, những chiếc bánh chả vàng rộm thơm lừng vị lá chanh cùng cái béo ngậy của thịt mỡ lạp xưởng, ngọt của mứt bí, ăn một miếng giòn vỡ trong miệng rồi đến cái dai dai của mỡ đã trở thành một hương vị không chỉ thân thuộc mà còn là món quà ăn vặt thơm ngon đặc sắc của con người Hà Nội.
Đôi ba người lớn tuổi cùng nhau ngồi lại, uống nước, thưởng thức đĩa bánh chả rồi trò chuyện đó đây, lâu lâu lại cười những trận cười sảng khoái xóa tan hết những mệt mỏi, lo lắng của một đời người. Để rồi những thứ bon chen xô bồ ngoài kia thật tầm thường biết bao. Bánh chả chỉ giản dị thế thôi, thế mà ai cũng phải yêu, phải quý.
Cùng một chút trà nóng, bánh chả Hà Nội còn thêm phần đặc biệt hơn, khiến người ta cứ phải tấm tắc khen rồi ăn mãi không thôi. Quả thực, không một nơi đâu có hương vị này, xưa nhất Hà Nội, ngon nhất Hà Thành.
Bánh chả đã từng là món quà vặt không thể thiếu trong mỗi gia đình đặc biệt là đầu xuân năm mới Tết đến. Những chiếc bánh chả được đặt lên bàn thờ gia tiên hay dùng để tiếp khách đã là một nét văn hóa vô cùng đẹp của con người nơi đây.
Đặc sản Hà Nội lúc nào cũng mang trong mình cái nhẹ nhàng thanh cao mà lưu luyến. Hương vị không bao giờ quá đậm đà cái vị riêng biệt như đặc sản miền Trung thích cay hay miền Nam hảo ngọt. Đặc sản Hà Nội lúc nào cũng như nước, mang cho con người ta sự tươi mát mà bình dị, để rồi người ăn cứ phải nhớ mãi không quên.
Làm bánh chả tưởng dễ mà không dễ
Những nguyện liệu làm bánh chả cũng vô cùng gần gũi với người dân Việt Nam, nguyên liệu có giống với bánh trung thu nhưng ít hơn và cách làm cũng đỡ phúc tạp hơn. Nhân bánh chả được làm chủ yếu từ thịt mỡ, lạp xưởng, mứt bí, lá chanh, phần vở được làm từ bột mì cùng với những loại nguyên liệu khác như đường, dầu ăn, muối,…
Bột làm vỏ bánh phải được ngào đều, mịn bột, ủ bột trong thời gian quy định để bột có thể lên men đủ độ thì bánh mới giòn và xốp. Các loại nguyên liệu làm nhân được thái hạt lựu nhỏ đều, trộn lẫn vào với nhau. Bột sau khỉ ủ xong được dàn mỏng, đặt nhân vào bên trong cuộc lại thành hình ống rồi dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ xinh. Sau đó cho vào lò nướng.
Nếu muốn giữ cho bánh chả được lâu và thơm ngon dậy mùi thì khâu chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Thịt mỡ, lạp xưởng phải là loại thực phẩm tươi sạch, không được phép ôi thiu. Lá chanh là yếu tố chủ đạo làm nên hương thơm của loại bánh này vậy nên người ta thường hái những lá chanh già và không để quá lâu trước khi làm bánh để tránh sự bay hơi của tinh dầu chanh.
Bột mì cũng nên dùng loại mới thì khi bánh nướng xong mới dậy mùi thơm và bánh mới vàng. Hay nhiệt độ và thời gian nướng bánh cũng vô cùng quan trọng, người nướng bánh phải đặt ở chế độ vừa phải thì bánh mới ngon và giòn lâu.
Tùy theo kinh nghiệm của từng gia đình mà mỗi gia đình có một công thức, tỉ lệ pha trộn, bí quyết khác nhau để tạo ra những sản phẩm bánh chả mang nét đặc trưng riêng của gia đình đó.