Đậm đà bánh đúc ngày mưa

Bánh đúc – món ăn dung dị, dễ làm từ bột gạo, trở thành món ăn ngon miệng của người dân quê tôi vào những ngày mưa. Còn gì ấm áp hơn cảm giác, giữa trời mưa lạnh tái tê, cả nhà quây quần bên mâm bánh đúc, ăn kèm với chén mắm cái dằm ớt cay xè...

Bánh đúc – món ăn dung dị, dễ làm từ bột gạo, trở thành món ăn ngon miệng của người dân quê tôi vào những ngày mưa. Còn gì ấm áp hơn cảm giác, giữa trời mưa lạnh tái tê, cả nhà quây quần bên mâm bánh đúc, ăn kèm với chén mắm cái dằm ớt cay xè...

“Muốn ngon ăn chả giò, muốn no ăn bánh đúc”. Là món bánh dân dã, chỉ cần vài nắm bột gạo là nấu thành, nên bánh đúc là món ăn dễ kiếm, dễ làm, giá lại rẻ, phù hợp với “túi tiền” của mọi nhà.

Còn nhớ đợt lũ lịch sử năm 1999 ở miền Trung kéo dài suốt cả tuần lễ. Quê tôi ngập chìm trong biển nước. Nước trắng đồng, nước tràn đường. Cả tuần bị nước lũ chia cắt, không thể đi chợ. Vậy là, bên cạnh những món “truyền thống” ngày mưa như mắm cá chưng, dưa chua, nhà tôi và vài nhà hàng xóm lại cùng rủ nhau hùn gạo, xay bột bằng cối đá, rồi làm bánh đúc để đổi món cho đỡ ngán.

Món bánh đúc đâu cầu kỳ, nên mỗi nhà chỉ cần góp một, hai lon gạo, rồi đổ vào thau nước lớn ngâm vài tiếng đồng hồ cho mềm. Xong xuôi, theo vòng tay xoay cối đều đặn của ba tôi, thứ gạo ngâm nước chỉ còn là dòng bột trắng, thơm mùi gạo chảy xuống cái thau đặt phía dưới. Bột gạo xay xong hòa với một ít nước vôi chín, cho vào nồi đã được tráng một ít dầu ăn cho khỏi dính, rồi bắt lên bếp.

Để nồi bánh đúc không bị vón cục, không bị khê, người nấu phải khuấy thật đều tay và để lửa thật nhỏ. Tuy là món dân dã, không cầu kỳ, nhưng kỹ thuật khuấy là bước quyết định sự ngon dở của món bánh đúc. Người nấu túc trực bên bếp lửa, khuấy đều tay, đợi khi bột vừa chín tới thì đậy nắp, tắt lửa.

Bánh đúc nấu xong để nguội, cắt thành từng miếng vừa ăn rồi xếp ra mâm. Nếu cẩn thận hơn, người nấu có thể trải miếng lá chuối lên trên mặt mâm trước, để bánh đúc không bị dính. Mắm cái cá cơm trong hũ, múc ra, giã với ớt tỏi cho thật cay làm nước chấm ăn kèm. Riêng bọn trẻ chúng tôi thì được người lớn ưu ái làm thêm nước chấm, bằng cách khử thêm dầu phụng với nén, bỏ vào ít đậu phụng rang giã dập và một ít thịt heo xắt nhỏ để ăn kèm với bánh đúc.

Cắn miếng bánh đúc dai dai, thơm mùi bột gạo hòa quyện với vị mặn của mắm, vị cay của ớt, khiến ai nấy đều hít hà, toát cả mồ hôi. Cái lạnh của những ngày đông mưa dầm, của những đợt gió rít mạnh ngoài cửa, phút chốc bị món bánh đúc, mắm cái làm tan biến đi hết, chỉ còn lại không khí ấm cúng, vui vẻ, quây quần bên nhau của những người “tối lửa tắt đèn” có nhau...

Ngày nay, bánh đúc đã được “biến tấu” thành nhiều kiểu như bánh đúc đậu phụng, bánh đúc gạo lức... với mùi vị thơm ngon hơn nhiều so với món bánh đúc năm xưa. Nhưng sao cứ nhớ, cứ thương món bánh đúc giản dị, đơn sơ chấm mắm cái của mùa mưa năm nào, mùa của những khó khăn, thiếu thốn, mùa của những gắn bó, yêu thương.

 

Bình luận của bạn