Đậm đà vị bánh gai Ninh Giang
Bánh gai là món bánh ngọt truyền thống của Việt Nam, bắt nguồn từ vùng Đồng bằng Bắc bộ ở Việt Nam. Nổi tiếng bậc nhất phải kể đến bánh gai Ninh Giang của Hải Dương.
Bánh gai Ninh Giang có hương vị, bản sắc riêng từ cách chọn nguyên liệu chế biến đến màu sắc và cách gói bánh độc đáo. Mỗi một chiếc bánh gai thơm ngon, khi làm phải trải qua nhiều công đoạn từ lựa chọn gạo, xay gạo, rây kỹ, chọn lá gai, hấp bánh…
Để làm ra chiếc bánh ngon, người thợ phải lựa chọn công phu và tỉ mỉ trong từng giai đoạn. Gạo làm bánh là loại đặc sản nếp cái Hoa Vàng Kinh Môn. Mật phải thật ngọt, đun nóng để trộn cho dễ. Lá gai phải là lá gai nếp thì bánh mới dẻo và có mùi thơm. Lá gai được rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ. Ninh xong đem rửa sạch rồi muối, ủ bằng đường 2-3 ngày. Khi lá đã được muối ngấu, người thợ mới dùng chày giã nát lá, lọc lấy bột mịn rồi đem trộn với bột nếp. Tỉ lệ bột lá/bột nếp sẽ quyết định chất lượng của lớp áo bánh.
Mỡ làm nhân bánh phải chọn loại mỡ cánh (mỡ cổ lợn), được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ lợn không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Hạt sen chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm và không nát, còn nguyên hương vị.
Bột gạo nếp, bột lá gai, được trộn đều với mật để làm vỏ bánh. Khi trộn bột, càng vắt lâu thì bánh càng dẻo càng mềm mại thơm ngon. Người Ninh Giang không luộc bánh gai mà hấp trong khoảng 2 giờ đến khi bánh dậy mùi thơm ngậy đặc trưng. Khi ăn bánh, ai cũng sẽ phải ngất ngây với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, lại dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh.
Hàng năm những làng bánh gai ở Ninh Giang đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan làng nghề, thưởng thức món đặc sản nổi tiếng xứ Đông này. Khi ghé thăm Hải Dương, ai ai cũng mang về những chiếc bánh gai thơm ngon để làm quà biếu người thân, bạn bè.