Dân dã như bánh đúc lạc Đình Tổ
Đến với Đình Tổ (Thuận Thành), du khách được hòa mình vào không gian tĩnh lặng, thanh bình với vẻ đẹp cổ kính nhuốm màu thời gian trong chùa Bút Tháp - một trong những ngôi chùa cổ mang kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu nhất Việt Nam.
Đến với Đình Tổ (Thuận Thành), du khách được hòa mình vào không gian tĩnh lặng, thanh bình với vẻ đẹp cổ kính nhuốm màu thời gian trong chùa Bút Tháp - một trong những ngôi chùa cổ mang kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu nhất Việt Nam.
Về Đình Tổ còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực từ những món ăn dân dã, quê mùa như: bánh đúc lạc, tương, bánh tro, cháo thái… mà chỉ thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Quả thật, nếu về Đình Tổ mà bỏ qua hoặc quên không nếm thử món bánh đúc chấm tương đậm đà, dân dã do chính bàn tay của những người dân nơi đây chế biến thì đúng là một điều thiệt thòi rất lớn, chẳng khác nào khi ta đến vùng biển không ăn hải sản hoặc lên miền ngược lại quên nếm món rau rừng.
Người miền Bắc coi bánh đúc là món quà quê dân dã mà khó quên, như làn gió đồng man mát, đem lại hương vị vừa thân quen vừa mới lạ. Người dân khắp vùng Bắc Bộ đã quen làm món bánh đúc nhưng có lẽ, chưa ở đâu, bánh đúc gần gũi và đậm đà như bánh đúc lạc Đình Tổ.
Dù không tốn kém chi phí để chuẩn bị nguyên liệu cho một nồi bánh ngon nhưng công sức bỏ ra để làm được một tấm bánh lại không hề ít, phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ và đòi hỏi sự khéo léo, nhiều kinh nghiệm của bàn tay người chế biến. Có rất nhiều biến thể trong cách làm bánh đúc nhưng cơ bản khi làm bánh đúc trải qua 3 công đoạn cơ bản: chọn gạo tẻ ngon ngâm với nước vôi trong khoảng 1 ngày thì vớt ra để ráo nước, sau đó nghiền nhỏ thành bột, hòa thêm một chút nước vôi vừa đủ để bánh không bị nồng và cuối cùng là khâu nấu bánh.
Để có bánh đúc ngon thì quan trọng nhất vẫn là khâu nấu và “quấy bánh”. Cần chuẩn bị một chiếc nồi được tráng mỡ, đoạn đổ bột vào, bắc lên bếp, lấy đũa cả quấy liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi, phải quấy thật đều tay, nếu không sẽ bị vón cục ngay.
Lửa nấu bánh phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không bị khê, lúc đánh lên thả xuống bánh phải chảy như tơ và róc đũa mới được. Tới lúc gần xong thì phải khoanh lửa lại, om tro một lúc. Khi bánh gần đổ ra khuôn mới đánh lạc đã rang chín và dừa thái mỏng. Đổ bánh ra mẹt lót lá chuối tươi sẽ được tấm bánh đúc tròn to, đổ vào bát sẽ được tấm bánh nhỏ. Khi nguội, bánh đúc phải giòn như bì lợn luộc, dùng dao cắt hoặc bẻ ăn không dính tay, không nồng vôi, bánh có độ mặn, mịn và bóng mới đạt yêu cầu.
Khi ăn, bánh đúc có vị giòn, mát, mịn, không béo, phù hợp với người ăn kiêng, là món quà thể hiện phong vị ẩm thực thanh tao, bình dị, dân dã của người dân Đình Tổ. Nếu một số nơi vẫn quen cách ăn bánh đúc với mắm tôm (bánh đúc bẻ ba, mắm tôm quệt ngược) thì người dân Đình Tổ lại chấm với tương, mà phải đúng là tương chính hiệu Bà Chằm (đã được kiểm định chất lượng và đăng ký thương hiệu độc quyền).
Cứ nghĩ đến tấm bánh đúc nhàn nhạt, mềm mượt chấm vào cái vị ngọt thanh, bùi béo của những giọt tương màu vàng sậm sẽ cho người thưởng thức cảm nhận rõ độ mát của bột gạo, vị ngòn ngọt, thanh thanh của tương, bùi bùi, thơm và béo của lạc rang, tất cả quện với nhau làm cho món bánh đúc mang một hương vị đậm đà và một cảm giác lạ miệng riêng biệt.
Dân gian đã có câu “bánh đúc, cá kho bán bò trả nợ” để thấy sức hấp dẫn của món bánh dân dã, mang đậm hồn quê Việt. Còn nhà văn Vũ Bằng từng viết: “Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ và kêu gào ầm ĩ”. Chỉ một câu đó cũng đủ nói lên vị rất riêng của bánh đúc.
Còn gì bằng nếu được thưởng thức món bánh đúc chấm tương ở một không gian yên ả của làng quê Đình Tổ hoặc trải chiếu bên hành lang trong chùa Bút Tháp khi những vạt nắng vàng nhè nhẹ hắt xuống hồ sen ngát hương thì quả là một sự kết hợp tuyệt hảo. Bánh đúc lạc chấm tương Đình Tổ đúng là một món ăn giản dị mà hương vị thì đặc trưng khó lẫn và thắm đượm tình quê…/.