Đến Hà Giang thưởng thức bánh cuốn Đồng Văn

Nước chấm bánh cuốn thường được gọi là nước canh/nước dùng, đựng trong một chiếc bát tô có miếng chả thơm, hành lá mùi tàu thái nhỏ. Nước dùng đậm đà, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành mùi khó cưỡng. Bánh vừa ra lò, bạn có thể xắt từng miếng chấm nước dùng hoặc thả cả chiếc bánh vào ăn ngay trong bát để cảm nhận tổng hòa vị dẻo thơm của bánh với chả, nước chấm béo ngậy. Một chút tiêu, ớt, dấm chua sẽ làm tròn vị, mùi vị khó quên của vùng cao nguyên đá.

Nếu bạn đang lên kế hoạch chuẩn bị cho hành trình khám phá Hà Giang, đừng bỏ lỡ trải nghiệm ẩm thực thú vị với món bánh cuốn phố cổ Đồng Văn.

Quán bánh nho nhỏ, ngay đầu dốc rẽ vào phố cổ Đồng Văn, dù không biển hiệu to hoành tráng vẫn đủ sức thu hút các bạn trẻ ưa xê dịch. Trong cái chớm lạnh đầu đông, không có gì tuyệt hơn được quây quần cùng nhau bên chiếc bàn nhỏ, hít hà cái nắng sớm, mùi khói bếp, mùi thơm phức của bột bánh trên nồi canh xương nghi ngút, và cùng trò chuyện với cô chủ quán để tìm hiểu thêm nét văn hóa độc đáo nơi đây.

cuon1.jpg

Làm bánh tưởng chừng đơn giản song cũng đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo của người đầu bếp.

Không ngớt tay thoăn thoắt láng bột, đậy nắp nồi hấp chờ bánh chín, rồi chế nhân thịt băm, mộc nhĩ, cô chủ vẫn thảnh thơi tiếp chuyện khách. Cô bảo ở đây chỉ có bánh cuốn, xôi ruốc, lạp xưởng gác bếp mà không hôm nào vắng khách cả. Không chỉ khách du lịch mà người dân ở đây cũng thường xuyên chọn bánh cuốn để ăn sáng hay thậm chí là ăn trưa trong những buổi chợ phiên. Có những cô, cậu cứ tới mùa này mà lên Hà Giang là ghé quán bánh của cô. Ăn nhiều, thành nghiền luôn món này.

Thoạt nhìn bánh cuốn nơi đây không có gì khác nhiều so với bánh miền xuôi, nhưng khi thưởng thức rồi, mới thấy thật lạ. Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng, nhưng bánh trắng mịn, mỏng, mềm và rất thơm. Làm bánh tưởng chừng đơn giản song cũng đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo của người đầu bếp. Các thao tác nhịp nhàng của đôi bàn tay, từ lấy gáo bột láng đều trên mặt vải, đậy nắp chờ một chút cho bột chín tới, rồi giỡ nắp vung, tiếp theo dùng chiếc đũa cả hớt bánh ra mâm rồi cho thịt mộc nhĩ băm nhỏ làm nhân, cuối cùng cuộn bánh lại. Đối với bánh cuốn trứng, khi bánh vừa chín, chỉ cần đập thêm quả trứng gà rồi đậy vung để một lúc, sau đó mới cho thêm nhân mộc nhĩ thịt băm để trứng vừa chín lòng đào mà bánh vẫn đảm bảo độ mềm, mịn và không nát. Cứ thế, hàng chục rồi đến hàng trăm chiếc bánh ra lò nhanh chóng phục vụ thực khách.

cuon2.jpg

Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng, song bánh ở đây trắng mịn, mỏng, mềm và rất thơm.

Nước chấm bánh cuốn thường được gọi là nước canh/nước dùng, đựng trong một chiếc bát tô có miếng chả thơm, hành lá mùi tàu thái nhỏ. Nước dùng đậm đà, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành mùi khó cưỡng. Bánh vừa ra lò, bạn có thể xắt từng miếng chấm nước dùng hoặc thả cả chiếc bánh vào ăn ngay trong bát để cảm nhận tổng hòa vị dẻo thơm của bánh với chả, nước chấm béo ngậy. Một chút tiêu, ớt, dấm chua sẽ làm tròn vị, mùi vị khó quên của vùng cao nguyên đá.

Mỗi lần lên Hà Giang, đừng quên dành thời gian ghé thăm Đồng Văn, rồi chọn cho mình một chỗ ngồi nho nhỏ ở quán bánh ấy, để đơn giản là cảm nhận chốn thân quen nơi bước chân muốn tìm về.

Bình luận của bạn