Dẻo thơm bánh ít lá gai đất Bình Định

Tuy mộc mạc đơn sơ nhưng bánh ít lá gai đã trở thành món quà mang về không thể thiếu mỗi khi du khách về thăm mảnh đất Bình Định mưa nắng hai mùa…

Tuy mộc mạc đơn sơ nhưng bánh ít lá gai đã trở thành món quà mang về không thể thiếu mỗi khi du khách về thăm mảnh đất Bình Định mưa nắng hai mùa…

Bánh ít lá gai - cái tên nghe dân dã mà chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa. Vị dẻo thơm, ngọt bùi của chiếc bánh đã trở thành dư vị khó quên trong lòng những ai đã từng nếm qua thứ bánh ấy.

Bánh ít lá gai là đặc sản của đất võ Bình Định, về sau lan rộng ra các tỉnh thành và trở nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung. Dù đi đâu xa, người con xứ sở vẫn không quên dáng hình những chiếc bánh trông tựa như tháp Chàm cổ kính.

alt

Trên chuyến xe từ Bắc vào Nam qua khỏi thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn) chừng 3 km nhìn về phía tay trái bạn sẽ thấy cụm tháp Chàm sừng sững trên chỏm núi, người ta gọi là tháp Bánh Ít. Có lẽ vì thế mà những chiếc bánh ít được gọi tên từ sắc màu huyền thoại của tháp Chàm rêu phong cổ kính.

Dù có rất nhiều nơi làm ra món bánh này, nhưng riêng tại mảnh đất Bình Định, nó vẫn mang một nét rất riêng khó có thể nhầm lẫn.

Để cho ra đời một chiếc bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tỉ mỉ.

Đầu tiên là tìm lá gai, giúp cho bánh có màu xanh đen và mang lại hương vị chát rất đặc trưng. Lá gai hơi sần, xốp, khô khô, rửa sạch, luộc chín, để thật ráo nước rồi đem vào cối giã. Phải là trai lực lưỡng mới đủ sức quết. Gọi là quết vì là cần nhuyễn như bột nên phải giã lâu. Công đoạn này khá vất vả vì nếu giã chưa nhuyễn thì bánh ăn sẽ không mịn màng.

Nếp dùng làm bánh ít  phải là nếp mới, thơm, độ dẻo vừa, đem vo kỹ, ngâm  với nước vài giờ, sau đó mới xay nhuyễn để có được một khối bột dẻo.Sau đó trộn với đường đen và đổ từ từ vào cối. Quết đôi ba chày phải thoa dầu phụng sống vào đầu chày để bột khỏi dính và dầu được trộn đều.  Khi bột vừa đủ ráo, lấy ra, ngào bột nhiều lần cho thật dẻo rồi chia thành từ khóm nhỏ vừa đủ làm một cái bánh.

Sau nữa là công đoạn làm nhân. Thông thường bánh ít lá gai sẽ có nhân là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm. Đôi khi nhân bánh người ta dùng tôm xào với thịt tạo ra món bánh ít mặn. Đậu xanh  đem xay bửa đôi rồi  ngâm và đãi cho  sạch vỏ trước khi luộc chín . Cùi dừa được bào ra thành sợi , bỏ vào chảo  gang  xào chung với đường một lúc cho đến độ chín tới mới trộn tiếp đậu xanh. 

Xào nhân trên bếp lửa liu riu cho đến khi  nào đường chín tới, nhân có màu vàng sẫm, dẻo quánh, mùi thơm bốc lên ngào ngạt là vừa. Lá chuối chuẩn bị được cắt khoanh tròn và hơ qua lửa cho mềm.

Sau khi chuẩn bị xong thì tiến hành nắn bột thật mỏng, cho nhân vào bên trong bóp chặt và vo tròn, thoa đều bánh và lá bằng dầu, ngon nhất là dầu phộng. Sau đó gói bánh lại theo kiểu bẻ gấp một đầu hoặc hình tháp vuông rồi đem hấp cách thủy. Chờ cho bánh chín thì vớt ra để nguội, đập nước đọng ở đầu bánh cho ráo, sửa sang lại bánh và cho vào rổ để ráo bánh. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng đầy hấp dẫn.

Một chiếc bánh ít ngon được đánh giá là phải dẻo nhưng khi ăn thì không bị dính răng, có vị tinh khiết của lá gai, vị dẻo thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dầu, vị bùi của đậu hòa quyện mà thành. Ở những vùng quê của tỉnh Bình Định, đám giỗ nào cũng có bánh ít lá gai. Bánh cúng xong được dọn lên mâm cỗ làm món quà tráng miệng và làm quà bánh cho người ở nhà. Đây cũng là  nét đặc trưng trong  văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử của người Bình Định.

Chính vì sự tỉ mỉ trong quá trình làm bánh mà người dân Bình Định thường hay dựa vào tài làm bánh mà đánh giá mức độ giỏi giang bếp núc của cô con dâu nhà mình. Qua thời gian, sự du nhập của các loại bánh Tây vừa nhanh gọn, tiện lợi càng phát triển rộng rãi.

Thế nhưng nghề làm bánh ít lá gai vẫn duy trì được cho đến tận hôm nay và trở thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực ở Bình Định nói riêng cũng như miền Trung nói chung. Bởi không chỉ đơn thuần là một nghề, bánh ít lá gai còn thế hiện được vẻ đẹp, sự khéo léo của bàn tay con người và mang đậm dấu ấn hồn quê bản xứ.

VnCharm

Nguồn:

http://afamily.vn/deo-thom-banh-it-la-gai-dat-binh-dinh

Bình luận của bạn