Giản dị bánh bao - Đặc sản Nam Bộ

"Bánh bao Cả Cần" không trắng như bánh bao gốc của người Hoa, mà hơi hẩm, vì không dùng bột tẩy. Vị bánh bao bùi hơn, ăn không dính răng, nhân bánh bao hoàn toàn là thịt băm, không pha lẫn cá và dầu mỡ như bánh bao của người Hoa.

Có người thân quen ở xa tới, hay bà con từ miền Bắc vào, cũng như khi có bạn ở hải ngoại lâu năm về thăm Sài Gòn, chúng tôi thường giới thiệu những đặc sản Sài Gòn, trong đó có bánh bao. 

Có bạn nói: "Sao bánh bao lại là đặc sản của Sài Gòn? Bánh bao vốn gốc từ người Hoa mà! Nói là đặc sản Chợ Lớn thì còn có thể nghe được!" Vậy là người bạn này chưa từng thưởng thức "bánh bao Cả Cần" và "bánh bao mít", là những loại bánh bao của người Việt Nam chính hiệu! Đây được xem như là đặc sản cho người Sài Gòn nói riêng và người Nam Bộ nói chung. 

Bánh bao Cả Cần 


 

Phải là "dân Sài Gòn" mới biết tại sao "bánh bao Cả Cần" là thứ bánh bao đặc chất của người miền Nam (sản xuất ở Sài Gòn), khác với bánh bao của người Hoa. "Bánh bao Cả Cần" không trắng như bánh bao gốc của người Hoa, mà hơi hẩm, vì không dùng bột tẩy. Vị bánh bao bùi hơn, ăn không dính răng, nhân bánh bao hoàn toàn là thịt băm, không pha lẫn cá và dầu mỡ như bánh bao của người Hoa. 

"Bánh bao Cả Cần" nổi tiếng ở Sài Gòn từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước xuất hiện ở vài quán nhỏ tại khu vực đường Nguyễn Tri Phương (quận 5 - Chợ Lớn cũ), sau đó, bánh bao mang tên Cả Cần trở thành một quán độc lập, nằm trọn trên khoảng khuôn viên sát cạnh ngã 4 Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương, phía trước công viên Văn Lang. Người đầu tiên sản xuất thứ bánh bao này là ông Trần Phấn Thắng (đã qua đời từ lâu), lấy danh tính thân phụ là ông hương Cả Cần (chức sắc trong làng xã thời Pháp thuộc, ở Mỹ Tho), làm thương hiệu cho thứ bánh bao của ông. 

Từ nhiều năm nay, Sài Gòn có nhiều nơi sản xuất bánh bao (không kể bánh bao của người Hoa), với những thương hiệu không thể nhớ hết. Bên canh những xe bán bánh bao mang biển hiệu: bánh bao Singapore, bánh bao Đài Loan, bánh bao Malaysia... nhưng bánh bao Cả Cần vẫn cứ đông khách như mọi khi. Và ngày nay, thương hiệu "Cả Cần" đã đi vào lịch sử ẩm thực của Sài Gòn. 

Bánh bao... mít 

Cũng là bánh bao nhưng không phải làm bằng bột mì thường bán ở phố chợ mà làm bằng múi mít chỉ có ở những vùng quê "miệt vườn" Nam Bộ thường làm và được xem là món ăn cây nhà lá vườn. 

Muốn có món bánh bao mít đặc sản, khi mít vừa chín tới, xẻ ra bóc từng múi, lấy thịt bỏ hạt. Dùng thịt cá thác lác quết nhuyễn với một ít thịt heo, nước mắm ngon, hành củ, tiêu bột, bột ngọt làm nhân. Khi nhân đã chuẩn bị hoàn tất, vo nhân từng miếng nhỏ cho vào trong các múi mít đã lấy hột. Khi nhân đã đầy ruột mít, ta dùng cây gài kín múi mít lại. 

Xếp các quả bánh bao bằng múi mít vào xửng để hấp. Chọn phía không nhồi nằm ở lỗ xửng, phía miệng nhồi nhân nằm trên cho nhân bánh khỏi chảy nước và nhân khỏi rơi ra khi hấp. Thời gian hấp chừng 30 - 40 phút. Khi mít và nhân đã chín, bốc mùi thơm, chúng ta nhắc xuống và sắp bánh bao ra đĩa. 

Bánh bao mít nhân cá thác lác, thịt heo vừa béo, bùi, dai, cay... đủ mùi vị phối hợp lại thêm mùi vị ngọt thơm rất riêng của mít. Ăn một lần rồi không thể nào quên được hương vị độc đáo của món ăn dân dã này.

Bình luận của bạn