Giòn thơm bánh đa làng Kế

Ở vùng Kinh Bắc xưa có một sản vật dân dã thơm ngon nổi tiếng, món quà quê được nhiều người gửi đi biếu những người thân thiết nhất và mỗi khi có dịp đến Bắc giang nhiều người tìm mua cho kỳ được, đó là món bánh đa Kế.

Ở vùng Kinh Bắc xưa có một sản vật dân dã thơm ngon nổi tiếng, món quà quê được nhiều người gửi đi biếu những người thân thiết nhất và mỗi khi có dịp đến Bắc giang nhiều người tìm mua cho kỳ được, đó là món bánh đa Kế.

alt

Bắc Giang vốn nổi tiếng với các làng nghề thủ công truyền thống như làng gốm, làng làm bánh đa nem Thổ Hà, làng nấu rượu làng Vân, làng mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên), làng bún Đa Mai (thành phố Bắc Giang), mỳ Chũ (Lục Ngạn)…nhưng có lẽ ổn định và thịnh vượng nhất phải kể đến nghề làm bánh đa làng Kế. Bánh đa là món ăn phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, nhiều tỉnh đều có nghề làm bánh đa nhưng có lẽ nổi tiếng thơm ngon và nhiều người ưa thích hơn cả là bánh đa Kế. Món bánh được các thương buôn khắp nơi về lấy hàng mang bán nhiều nơi, nhờ vậy ngày càng có nhiều thực khách được thưởng thức và biết đến món bánh truyền thống này.

Đến làng Kế, thành phố Bắc Giang hôm nay, hình ảnh đầu tiên mà du khách thấy là đầy rẫy những quán hàng quạt, nướng và bầy bán la liệt bánh đa dọc khu phố nhỏ và ngay cả trên vỉa hè, cảnh người người làm bánh, mua bán tấp nập đông vui.

Gọi là bánh đa Kế bởi món bánh này được sản xuất ở làng Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Người làng Kế làm bánh đa quanh năm, chỉ trừ những ngày mưa sản phẩm không thể phơi được phải đem sấy khô thì bà con làm ít hơn. Nghề truyền thống này đã có từ lâu đời, thế hệ trước truyền dạy nghề cho thế hệ sau. Chị Nguyễn Thị Nghiên 45 tuổi người làng Kế cho biết, gia đình chị hiện có đến 3 thế hệ đều làm bánh đa từ bố mẹ, đến vợ chồng chị và giờ là những người con của chị đang tiếp tục theo làm nghề bánh đa này. Chị Nghiên cho biết: xóm chị giờ có hơn 30 hộ theo nghề, nghề làm bánh đa được xem  như là kế mưu sinh chính của người dân làng Kế. Trung bình giá bán mỗi chiếc từ 10 đến 15 nghìn đồng, mỗi ngày chị Nghiên bán được khoảng từ 100-200 chiếc. Chị Nghiên nói: mặc dù làm nghề vất vả nhưng cũng có thu nhập khá nên nghề này chẳng những không bị mai một mà ngày càng mở rộng và phát triển hơn trước. Sự nổi tiếng và chất lượng sản phẩm đã mang lại những nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Để làm ra được những chiếc bánh đa thơm ngon, giòn tan và đậm đà rất cầu kỳ với nhiều công đoạn khác nhau. Từ việc chọn gạo cho vào ngâm với nước chừng 2-3h đồng hồ, sau vớt ra cho cơm nguội, khoai lang vào trộn đều với muối và bóp cho thật đều và nhuyễn rồi tiến hành công đoạn xay thành bột, cho lên bếp vào khuôn (công đoạn này gọi là tráng bánh). Chị Nghiên nói: tráng sao cho thật đều tay, chiếc bánh càng dày, đặc bột thì bánh càng ngon, quá trình tráng này sẽ rắc thêm một lượt lạc (đậu phộng) đã được thái nhỏ và hạt vừng sống lên trên bề mặt bánh. Bánh được đem phơi khô rồi bảo quản kỹ trong túi ly-nông khi nào cần thì đem ra nướng chín.

Bánh đa được nướng bằng than hoa (than củi), công đoạn nướng rất quan trọng, chiếc bánh ngon hay không phụ thuộc nhiều vào công đoạn này, đòi hỏi người nướng phải thật khéo léo, đều tay sao cho bánh không bị cháy vào chín giòn đều.

Xưa kia bánh đa Kế là món ăn thôn quê thường xuất hiện trên những bàn nhậu vùng thôn dã cùng với lạc rang. Ngày nay, bánh đá Kế xuất hiện cả trên những bàn tiệc sang trọng, những nhà hàng cao cấp của xứ Bắc. Vị bùi của cơm nguội, khoai lang kết hợp vị béo ngậy của lạc, vừng khiến chiếc bánh đa giòn thơm quyến rũ khó quên. Đặc biệt, bánh đa Kế mà được ăn cùng với chim câu băm nhỏ rang giềng thì càng hấp dẫn và đúng kiểu hơn. Bánh đa kế là một trong những sản phẩm làng nghề tiêu biểu được tỉnh Bắc Giang đã được chọn mang đi giới thiệu, triển lãm ở nhiều địa phương trong cả nước.

VnCharm

Nguồn:

http://laodong.com.vn/Doi-song/Gion-thom-banh-da-lang-Ke

Bình luận của bạn