Làng bánh chưng hàng trăm tuổi ở Thái Bình
Từ rằm tháng chạp qua rằm tháng giêng, mỗi ngày, làng bánh chưng cầu Báng (xã Tân Bình, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bán hàng vạn chiếc. Những người Thái Bình xa quê, mỗi lần trở về đều mua cặp bánh chưng cầu Báng mang đi.
Làng nghề trăm tuổi
Không còn ai biết người dân khu cầu Báng bắt đầu làm bánh chưng bán chính xác từ bao giờ, nhưng theo ông Trần Hữu Bình (63 tuổi), một người dân bản địa, tận mắt ông thấy đời ông bà ông, rồi đến bố mẹ ông đều làm bánh chưng bán. Ông Bình cũng nghe ông nội nói lại là nghề làm bánh chưng của gia đình được đời trước truyền lại. Như vậy, làng nghề bánh chưng cầu Báng ít nhất cũng có tuổi đời hàng trăm năm. Đến nay, khu cầu Báng có khoảng hơn 30 hộ thì có hơn 10 hộ làm bánh chưng quanh năm.
Bánh chưng cầu Báng có 2 loại, loại nhỏ gói hình ngũ giác đều, còn gọi là bánh chưng gù, giá 5.000 đồng/chiếc, loại to gói theo hình vuông truyền thống, giá từ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc. Mỗi ngày, một hộ làm bánh chưng ở đây bán được khoảng 200 chiếc bánh chưng gù, 100 chiếc bánh chưng to. Riêng dịp Tết Nguyên đán, các bếp luộc bánh khắp cầu Báng đỏ lửa cả ngày lẫn đêm vẫn không kịp phục vụ nhu cầu của khách. Một hộ bán bình quân mỗi ngày hơn 1.000 chiếc, bình quân cả làng bánh chưng cầu Báng bán ra hơn 1 vạn chiếc/ngày.
Cũng theo ông Trần Hữu Bình, bánh chưng là sản vật đặc trưng trong dịp Tết của người Việt nên hầu như ai cũng biết làm. Bởi vậy, để bán được bánh và giữ được khách suốt cả trăm năm qua, người làm bánh chưng ở cầu Báng phải có bí quyết riêng.
“Thái Bình được mệnh danh là quê lúa nên gạo nếp Thái Bình thơm, đậm. Lá dong phải đặt từ vườn ở các tỉnh miền núi hay Thanh Hoá, chọn loại tấm to nhất, không rách, lá không già quá hay non quá để khi luộc lên, vỏ bánh, thân bánh có màu xanh nõn, nhìn ngon mắt. Đỗ xanh phải chọn loại hạt to đều, xay nhuyễn, đồ vừa chín tới, thịt nhân phải đúng thịt vai, nạc thì chắc, mỡ thì bùi…”, ông Bình kể khâu chọn nguyên liệu bánh.
Tuy nhiên, theo ông cụ có thâm niên già nửa thế kỷ với nghề làm bánh chưng này, thì khâu quan trọng nhất tạo nên uy tín của bánh chưng cầu Báng là… xếp và luộc bánh. Ở cầu Báng, chọn lá, mua đỗ, đồ xôi, gói bánh ai cũng làm được, nhưng khi xếp bánh vào nồi để luộc, dứt khoát phải là người có nghề, thường là người đàn ông chủ hộ. “Phải khỏe tay để xếp chặt, khít, không để khe hở giữa các bánh, đồng thời phải xếp vuông vức thì khi luộc bánh, gạo nở ra bánh vẫn chắc nhưng không bị nở, biến dạng.
“Nói thì đơn giản, nhưng làm được điều này phải có kinh nghiệm ít nhất hàng chục năm. Đến mức xem gạo non hay già là biết mức xếp bánh như thế nào là vừa đủ. Vì vậy, bánh nơi khác luộc xong phải dùng khuôn, ván ép lại để vuông thành, sắc cạnh và chắc bánh, còn bánh cầu Báng luộc xong ăn ngay, hương vị vẫn thơm ngon”, ông Bình chia sẻ.
Chị gái ông Bình, bà Trần Thị Tỵ (65 tuổi), cũng theo nghề làm bánh, thông tin thêm: “Bánh cầu Báng luộc trong thời gian từ 8 - 10 giờ. Trong thời gian ấy, phải luôn canh để lửa nhỏ nhưng không tắt thì bánh mới giừ đều”.
Giữ hồn quê lúa
Anh Nguyễn Văn Thành, một người dân xã Minh Quang (huyện Vũ Thư, Thái Bình), cho biết: "Dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng giêng và các dịp lễ hội, hầu hết người dân khu vực lân cận đều đặt một cặp bánh chưng cầu Báng về thắp hương tổ tiên. Riêng tôi, khi đi làm qua đây, mỗi lần đều ghé vào mua cặp bánh chưng gù ăn sáng. Bánh chưng cầu Báng có mùi thơm của gạo nếp, lá dong, vừa đủ độ dẻo, ngậy của đỗ, thịt mỡ, ăn mãi không chán".
Đã qua dịp Tết Nguyên đán, làng bánh Chưng cầu Báng vẫn nhộn nhịp người xe ra vào mua bán. Ông Bình cho biết, không chỉ người bản địa đến đặt bánh cúng rằm, ở đây còn nhận đơn hàng lên tới hàng vạn chiếc từ con em đồng hương Thái Bình. “Thái Bình là tỉnh có con em đi lập nghiệp ở các tỉnh khác đông nhất, nhì toàn quốc. Những người xa quê trước khi rời đi đều mang theo một chút quà quê. Lựa chọn hàng đầu của họ từ nhiều năm nay chính là bánh chưng cầu Báng”, ông Bình tự hào khoe.
Đúng như ông Bình nói, những ngày đầu năm mới, tại quầy bán bánh của gia đình ông vẫn có rất nhiều người đến đặt mua bánh mang đi. Ông Phạm Văn Hải, một người Thái Bình vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống từ hàng chục năm qua, sau khi về quê ăn tết đã đến cầu Báng đặt mua 30 chiếc bánh chưng mang vào làm thành phố Hồ Chí Minh làm quà, tâm sự: “Năm nào không về được quê, tôi đều nhờ mua cành đào Minh Tân (huyện Hưng Hà) và cặp bánh chưng cầu Báng nhờ gửi vào thành phố Hồ Chí Minh đón tết. Ngắm đào Minh Tân, ăn bánh chưng cầu Báng giúp tôi phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ về nơi chôn rau cắt rốn”.
Theo ông Bình, trong số khách mua hơn 1.000 bánh chưng bán ra mỗi ngày dịp đầu năm, có 50 - 60% là người Thái Bình đang sinh sống ở nơi khác.
Cả hơn 10 hộ theo nghề làm bánh chưng ở cầu Báng đều xây được nhà to, mua được xe ô tô. Chia sẻ thêm về bí quyết giữ nghề, chị Phạm Thị Huệ, một hộ có nhiều đời làm bánh chưng, cho biết: “Ngoài công thức gia truyền làm bánh chưng, các đời, các hộ theo nghề làm bánh ở đây đều bảo nhau phải giữ gìn chữ tín. Ai luộc bánh bằng pin, mua gạo xấu, thịt thiu làm bánh thì kệ họ, người làm bánh chưng cầu Báng nhất quyết nếu bánh không ngon thì không bán, bán ra thì trăm cái như một, đều có hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được”.