Nghề bánh đa ở làng Thổ Hà - Bắc Giang

Trước kia làng Thổ Hà nổi danh với nghề gốm, thì nay nghề làm bánh đa nem đã thay thế và trở thành sản phẩm có tiếng trong và ngoài nước. Giờ đến thăm làng, đi khắp ngõ xóm, đâu đâu cũng thấy những tấm phên bánh đa Thổ Hà được bày phơi san sát nhau, trông thích mắt.

Trước kia làng Thổ Hà nổi danh với nghề gốm, thì nay nghề làm bánh đa nem đã thay thế và trở thành sản phẩm có tiếng trong và ngoài nước. Giờ đến thăm làng, đi khắp ngõ xóm, đâu đâu cũng thấy những tấm phên bánh đa Thổ Hà được bày phơi san sát nhau, trông thích mắt.



Bánh đa nem Thổ Hà được làm bằng gạo với các công đoạn: Gạo ngâm từ tối hôm trước, đến mờ sáng hôm sau sẽ bắt đầu xay bột, tráng bánh, rồi trải ra trên từng tấm phên tre (còn gọi là giàng). Khi mặt trời vừa rạng, các phên bánh được mang ra phơi trong khoảng 2 đến 3 giờ.

- Khi bánh đã khô, người ta bóc ra khỏi phên để cắt. Bánh được chia thành từng khúc bằng nhau sao cho vừa với máy cắt, thông thường với loại phên to thì cắt thành 7 khúc, phên bé thì cắt thành 9 khúc. Sau đó, bánh được buộc thành từng chục hay từng trăm tùy theo đơn hàng.

Tưởng chừng không cầu kỳ phức tạp, nhưng để làm được những mẻ bánh ngon lại phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm ngâm gạo và kỹ thuật tráng bánh. Quá trình phơi cũng quyết định không nhỏ đến chất lượng bánh, bởi nếu gặp mưa thì bánh sẽ mốc, nếu nắng to sẽ ròn, nứt vỡ. Hiện nay, người dân làng Thổ Hà đã tráng bánh đa nem bằng máy thay vì hì hục tráng bằng tay như trước kia nên cho năng suất cao và chất lượng đồng đều hơn. 

Bánh đa nem Thổ Hà thành phẩm có màu trắng ngần, mùi thơm nhẹ, dẻo dai ngon miệng, nên vừa có tiếng với thị trường trong nước vừa được xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Mùa làm bánh bận rộn nhất ở đây kéo dài từ tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau.

Ngoài sản phẩm chính là bánh đa nem, làng Thổ Hà còn được biết đến với mỳ gạo và bánh đa dừa. Mỳ gạo Thổ Hà được bó thành từng bó to chừng 1kg, sợi mỳ nấu lên dai và dẻo. Bánh đa dừa Thổ Hà ăn giòn tan, có hương của gạo, vị bùi của lạc, vừng, vị ngọt của dừa, đường phèn. Ngoài ra, những mẩu bánh dư trong quá trình cắt sẽ được cho vào chảo, thêm chút tỏi, sa tế rồi xào lên, làm món ăn vặt hấp dẫn, giòn giòn, cay cay.

Bình luận của bạn