Ngọt bùi bánh nếp nhân trứng kiến

Bánh nếp nhân trứng kiến (hay còn gọi Péng Lăng Lay) là món ăn ngày xuân của người Tày ở Tuyên Quang. Dù lên Tuyên Quang bao nhiêu lần mà không đúng dịp thì du khách cũng không có cơ hội được thưởng thức chiếc bánh nếp nhân trứng kiến độc đáo này. Bởi mùa xuân mới là thời gian sinh sản của kiến đen và lúc này, người dân mới kiếm được nhiều trứng kiến ngon làm bánh.

Ngọt bùi bánh nếp nhân… trứng kiến  - 1
Bánh nếp nhân trứng kiến còn có tên gọi là  Péng Lăng Lay. Ảnh: Vietbao

Bánh nếp nhân trứng kiến (hay còn gọi Péng Lăng Lay) là món ăn ngày xuân của người Tày ở Tuyên Quang. Dù lên Tuyên Quang bao nhiêu lần mà không đúng dịp thì du khách cũng không có cơ hội được thưởng thức chiếc bánh nếp nhân trứng kiến độc đáo này. Bởi mùa xuân mới là thời gian sinh sản của kiến đen và lúc này, người dân mới kiếm được nhiều trứng kiến ngon làm bánh.

Do thuộc “hàng hiếm” và có theo mùa nên bánh nếp nhân trứng kiến chỉ quen thuộc với người Tày và phổ biến ở phạm vi nhỏ. Không đem lại những cảm giác hãi hùng như những món ăn làm từ côn trùng khác như sâu, bọ nhưng bánh nếp trứng kiến cũng khiến nhiều người phải đắn đo.

Ngọt bùi bánh nếp nhân… trứng kiến  - 2
Đây là đặc sản dân dã của người Tày. Ảnh: baoquangninh

Còn với đồng bào dân tộc Tày và những người ăn được trứng kiến, loại bánh này được yêu thích vì vị dẻo thơm, bùi bùi đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao. Mùa sinh sản của kiến đen là vào mùa xuân, nhưng tới tận tháng 3, tháng 4 âm lịch thì trứng kiến mới xuất hiện nhiều hơn.

Người Tày chỉ dùng trứng kiến đen để chế biến món ăn vì không phải trứng kiến nào cũng ăn được. Trứng của kiến đen (người Tày gọi là “tua rày”) loại kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn được cho là lành nhất. Loài kiến này thường làm tổ, đẻ trứng trên những chạc cây không cao lắm và thường được thu lượm ở cây ngõa, xoan, quế, găng, vầu.

Ngọt bùi bánh nếp nhân… trứng kiến  - 3
Trứng kiến đen màu trắng, to như hạt gạo. Ảnh: Kienthuc

Trứng kiến đen có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, mỗi tổ kiến cho khoảng 1-2 lạng trứng. Theo kinh nghiệm của người dân, nên chọn những tổ kiến có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài để tìm trứng. Lớp lá ngoài càng được phủ đều trong lớp màng trắng thì trứng kiến ở bên trong sẽ nhiều và căng mọng sữa.

Tổ kiến được “bắt” từ trên cây xuống bằng một chiếc rá to có cán tay dài, xung quanh cán buộc túm cỏ tranh để kiến không bò vào người. Sau đó người ta phải sàng sảy thật khéo để loại bỏ lá cây và tạp chất trong ổ kiến. Động tác phải nhẹ nhàng để trứng không bị vỡ, nát. Trường hợp những con kiến già cố bám không chịu rời trứng, người ta phải dùng khăn khô lau lướt nhiều lần trên mặt rá để kiến bám vào khăn. Làm thế nhiều lần cho đến khi sạch hết kiến già. Có thể dùng cách khác để làm sạch trứng kiến là thả tất cả vào chậu nước ấm sạch, đãi nhiều lần để kiến già và tạp chất nổi lên rồi hớt bỏ.

Ngọt bùi bánh nếp nhân… trứng kiến  - 4
Miếng bánh dẻo thơm, ngọt thanh vị nếp nương và ngậy bùi hương trứng kiến. Ảnh: citinews

Chuẩn bị tốt được phần trứng kiến thì lúc nào người ta cũng có thể làm bánh nếp nhân trứng kiến. Bánh được làm từ trứng kiến (thành phần quan trọng nhất, khó kiếm nhất), bột nếp nương và lá vả (bẩu ngóa).

Người Tày vẫn làm bánh nếp nhân trứng kiến theo cách thủ công, truyền thống. Gạo nếp nương loại ngon được xay nhuyễn trong cối đá, cô thành bột dẻo làm vỏ bánh. Bột nếp được viên thành từng hình tròn nhỏ rồi cán mỏng để nhét nhân vào bên trong.

Nhân bánh làm từ trứng kiến. Trứng được xào qua cùng hành phi, rau thì là thái nhỏ và nêm chút muối để miếng bánh đậm vị, hấp dẫn hơn. Xào trứng kiến cũng phải hết sức khéo léo, chỉnh độ lựa vừa phải để trứng không bị vỡ, nát, chảy sữa. Ngày nay, trứng kiến không còn dồi dào như trước nên người dân thường trộn thêm nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng, lạc rang giã nhỏ làm nhân.

Ngọt bùi bánh nếp nhân… trứng kiến  - 5
Bánh nếp nhân trứng kiến được gói trong lá vả. Ảnh: Thu Trang/VnExpress

Điều đặc biệt là người Tày không sử dụng lá chuối hay lá dong, mà dùng lá vả (hoặc lá sung) loại bánh tẻ không quá non hay quá già để gói bánh. Nếu lá non thì khó bóc, còn lá già thì bánh bị cứng và không đủ thơm. Xong xuôi, bánh được xếp vào khay và hấp cách thủy trong khoảng 30-45 phút là chín.

Nếu mới lần đầu thưởng thức, bạn nên thử một miếng nhỏ để xem mình có dị ứng với trứng kiến không. Tuy trứng kiến không độc nhưng lại có phản ứng phụ với tùy người, tùy cơ địa, như có người dị ứng hải sản, rượu ong… còn số khác thì không.

Thưởng thức miếng bánh nếp nhân trứng kiến trứ danh của người Tày ở Tuyên Quang, bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo, thơm của nếp, mùi lá vả đặc trưng và vị trứng kiến béo ngậy. Bánh ngon nhất khi được sử dụng ngay và là một món được yêu thích trong bữa cơm chiều của đồng bào dân tộc Tày.

Bình luận của bạn