Nam Định là mảnh đất sinh ra những chiếc bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt và nó là thứ đặc sản tiêu biểu của đất Thành Nam này. Bánh gai Nam Định nổi tiếng nhất là Bánh gai Bà Thi. Đây là món bánh gai truyền thống giữ được hương vị nguyên bản của lá gai và gạo nếp. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… mỗi loại một chút nhưng những nguyên liệu đó đủ để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi.
Nam Định là mảnh đất sinh ra những chiếc bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt và nó là thứ đặc sản tiêu biểu của đất Thành Nam này. Bánh gai Nam Định nổi tiếng nhất là Bánh gai Bà Thi. Đây là món bánh gai truyền thống giữ được hương vị nguyên bản của lá gai và gạo nếp. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… mỗi loại một chút nhưng những nguyên liệu đó đủ để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi.
Vỏ bánh được trộn từ bột gạo nếp xay mịn và bột lá gai. Lá gai có thể nhiều nơi trồng, nhưng lá gai ít chát có độ ngậy và thơm hơn cả là lá gai Trực Ninh, Xuân Trường. Lá gai thu hoạch vào tháng ba, tháng tư trong năm. Phải chọn lá gai không sâu, ngắt cuống đem phơi, tước gân rồi nghiền nhỏ thành bột, cho vào túi vải ninh 3, 4 giờ (càng lâu càng tốt) để làm mất chất chát của lá gai. Sau đó ép hết nước, sấy khô, giã thành bột.
Nếp phải chọn nếp hương hoặc nếp tháng 3, đãi sạch nghiền nhỏ mịn, sờ mát tay, không gợn. Trộn bột lá gai nguyên chất với bột nếp hương và đường vàng để làm vỏ bánh.
Thường 1kg bột nếp với 1/2kg bột lá gai có thể làm được 20 chiếc bánh. Bánh gai làm bằng loại lá gai đúng tiêu chuẩn thường có mầu xanh đen.
Nhân bánh gồm đỗ xanh đồ trộn với đường trắng, thêm mứt hạt sen, cùi dừa nạo nhỏ, mỡ miếng thái khổ. Nhân bánh gai phải dùng loại đỗ xanh vỏ mốc, hạt đều, không sâu mọt, đem ngâm nước, đãi sạch vỏ rồi đem đồ chín. Hạt sen cũng chọn hạt nguyên, không bị sâu, đem nấu chín hoặc có thể lấy mứt sen làm nhân bánh. Cùi dừa nạo nhỏ, đem xào với đường kính trắng. Vừng trắng đãi sạch vỏ, rang thơm. Trộn các thức đó vào nhau, cho thêm ít dầu ăn để làm nhân bánh.
Đặc biệt lá chuối để gói bánh phải là lá chuối ngự khô, mua ở các xã Nhân Hậu, Nhân Tiến, Vĩnh Trụ của Lý Nhân – Hà Nam. Lá chuối ngự thường mềm, dai có chất lụa gói đẹp. Nếu dùng lá chuối goòng (chuối tây) gói bánh thường bị gãy và có chất chát ngấm vào bánh, làm giảm chất lượng bánh. Khi gói lá ngoài bánh phải gói dầy một chút để bảo vệ bánh lâu khô.
Sau khi đã gói bánh, dùng sợi đay hoặc cói để buộc bánh. Cho bánh vào nồi hấp từ 2,5 đến 3 giờ, ủ bánh vào thùng giữ nhiệt để bánh đến với người ăn lúc ấm nóng, thơm ngon. Tuyệt đối không luộc bánh vì khi luộc bánh sẽ giảm chất dinh dưỡng có trong các tinh bột.
Trọng lượng của bánh khi hấp chín thường từ 100g đến 200g. Bánh chín mở ra vuông vắn, màu đen tuyền, thơm mùi lá gai và nếp hương nguyên chất
Ăn miếng bánh gai vừa thấy dẻo dai, mềm quyện của nếp ngon với thơm thơm sen, dừa, đậu ngọt lành. Bánh gai Nam Định ăn một cái thường chưa thỏa, nên người bán cũng sắp thành từng sâu 5, 10 cái một.
Những chiếc bánh đen lánh, bên ngoài được gói lá chuối khô đơn giản và khiêm nhường đã thành món quà nhỏ cho lữ khách dọc đường và cho cả những người bạn nơi xa.
Theo Vietshome