Vào Sài Gòn nhớ ăn món bánh tai yến bà Tư
Xuất xứ từ miền Tây sông nước, bánh tai yến có một thời gian trở thành món ăn quen thuộc tại các gánh hàng rong trên vỉa hè Sài Gòn rồi dần dần vắng bóng cho đến nay.
Xuất xứ từ miền Tây sông nước, bánh tai yến có một thời gian trở thành món ăn quen thuộc tại các gánh hàng rong trên vỉa hè Sài Gòn rồi dần dần vắng bóng cho đến nay.
Gần như cùng một cách thức chế biến với bánh xèo, song bánh tai yến lại được ít người biết đến hơn. Món bánh có cái tên thú vị như vậy là do ban đầu được người dân quê đặt theo hình dáng giống như tổ chim yến của chiếc bánh, rồi lâu ngày đọc chệch đi thành “tai yến”. Ở một số nơi, bánh tai yến còn được gọi là bánh nón.
Công thức làm bánh tai yến khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa. Cho đường và nước dừa vừa đủ, thêm bột gạo và bột năng trộn sẵn. Sau đó, đổ bột vào thau, khuấy đều, để bột nghỉ từ 3 - 4 tiếng.
Dầu ăn cho vào chảo nhỏ; đến khi dầu sôi thì đổ úp từng thìa bột xuống chảo, động tác phải nhanh và dứt khoát để bột bám vào nhau thành hình tròn, không bị rây ra xung quanh. Đợi tầm 3 - 5 phút, tới khi phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng, bánh có hình chiếc nón úp ngược. Xếp bánh lên khăn giấy cho thấm bớt dầu, rồi bày ra đĩa.
Việc thưởng thức bánh tai yến cũng có sự khác biệt tùy vào khẩu vị của từng người. Có người thích mỗi sáng được nhâm nhi chiếc bánh tai yến vàng ruộm ngay khi vớt ra khỏi chảo, tận hưởng vị giòn ngọt của bánh bên ly trà nóng; nhưng cũng có người để bánh nguội rồi hẵng thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát.
Vốn là món chiên dầu, nên ít ai dùng bánh tai yến ngay trước hay sau mỗi bữa ăn chính, nhất là bữa tối, mà thường dùng vào tầm giữa sáng hoặc xế chiều, như một món quà vặt lúc nửa buổi, ăn cho vui miệng.
Cùng một cách nấu, nhưng tùy mỗi chỗ bánh tai yến lại có những “biến tấu” khác nhau. Chẳng hạn, một số hàng quán thích thay nước cốt dừa bằng sữa tiệt trùng, giúp món bánh thơm và béo hơn. Nhiều nơi khác lại thêm bột mì vào để tạo sự giòn, xốp cho bánh.
Nhưng chung quy lại, một chiếc bánh tai yến “đúng chất” phải đảm bảo được vị dai dai, sừn sựt của bột gạo chín trong lòng bánh, độ xôm xốp của lớp vỏ bên ngoài, cùng vị ngọt thanh mát của đường và nước dừa, bên cạnh những yêu cầu về hình dạng, màu sắc,...
Chế biến bánh tai yến đơn giản là thế, nhưng để đạt được sự đều tay trong từng công đoạn, giúp mỗi chiếc bánh làm ra đều hài hòa về hương vị, hình sắc như nhau, thì không phải ai cũng làm được.
Theo bà Tư Hồng, còn gọi là bà Tư “tai yến”, người có thâm niên gần 20 năm bán bánh tai yến ở góc đường Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM), bí quyết để có một mẻ tai yến ngon nằm ở bếp lửa và chảo chiên bánh. Để đun được lửa đều, bếp nấu phải là bếp dầu loại 10 tim; bên cạnh đó, nên dùng chảo sâu lòng, giúp bánh chín đều và đạt được hình dáng như mong đợi.
Ngoài ra, không nên khuấy bột quá đặc khiến bánh khó căng phồng. Việc thêm sữa hoặc nước cốt dừa ở một lượng vừa phải cũng sẽ giúp bánh giữ được vị ngọt tự nhiên của bột gạo.
Bà Tư Hồng cho biết, trước đây ở Sài Gòn vẫn có khá nhiều gánh hàng rong chuyên bán bánh tai yến, nhất là ở các đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Lý Tự Trọng (quận 1)... Chừng 5, 6 năm nay, bánh tai yến cứ dần biến mất trên các vỉa hè Sài Gòn, giờ thì gần như chỉ mỗi bà là còn theo nghề làm thứ bánh truyền thống này.
Gánh bánh của bà đến nay vẫn được khá đông khách tìm đến thưởng thức, đặc biệt là khách Tây vì món bánh dễ ăn, lạ miệng, giá cả lại vừa phải, một chiếc chỉ tầm 3.000 đồng. Bà đang truyền nghề lại cho cháu rể bán ở một gánh khác bên đường Nguyễn Du.
“Bán món bánh này, công thì nhiều chứ lời chẳng được bao nhiêu, nhưng tôi vẫn động viên thằng cháu ráng bán cùng bà. Chỉ mong con cháu sau này vẫn giữ được cách làm bánh, mỗi dịp giỗ rằm thì nấu vài cái cúng lên cho ông bà vui...”, bà Tư “tai yến” tâm sự.