Hương vị thơm ngon từ hạt cà phê Buôn Mê Thuột
Những hạt cà phê Buôn Mê Thuột được phơi khô kết hợp bí quyết rang truyền đời từ các nghệ nhân tạo nên ly cà phê đắng đậm, ngọt thanh và thơm nồng.
Không chỉ được biết đến như thủ phủ cà phê của Việt Nam, Buôn Mê Thuột còn là vùng đất nổi tiếng với giống cà phê Robusta đặc trưng, thơm ngon.
Theo Già làng Y Đoan B’yă (buôn Hwiê, xã Eakao), dù có lợi thế thuộc miền đất đỏ bazan màu mỡ, nhưng người trồng cà phê luôn phải đối mặt với những rủi ro mất mùa. Trồng cà phê cần nhất là nước, một gốc cà phê cần 400-700 lít nước tưới, cả mùa khô cần 4-6 lần tưới, thiếu nước là cà phê không ra hoa hoặc nặng hơn, nếu hạn hán kéo dài thì coi như mất trắng. Nhưng nếu ra hoa rồi mà lỡ gặp mưa thì hoa lại rụng hết. Trong suốt quá trình trồng kéo dài hơn 9 tháng, người dân phải liên tục tỉa cành, diệt sâu, vun gốc… Đến khi thu hoạch, phải huy động nhân công hái, phơi sấy nhiều ngày liền.
Buôn Mê Thuột đang vào vụ thu hoạch cà phê rộ. Đây được xem là một mùa cà phê vui. Thế nhưng, gần cả đời sống ở mảnh đất này, chứng kiến biết bao thăng trầm của cây cà phê, Già làng vẫn ám ảnh không ít về những mùa cà phê “đắng”.
"Tôi nhớ giai đoạn những năm 1980-1985, cà phê rớt giá thê thảm, dân làng đồng loạt phá bỏ. May là sau này được Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn, bà con biết cách trồng xen canh tiêu, điều, mít để nuôi cà phê, nên giá nào cũng không bỏ giữa chừng", Già làng kể.
Thăng trầm của cây cà phê không chỉ hiện rõ trong ký ức của những người nông dân, mà còn đau đáu trong tâm thức của biết bao người kinh doanh cà phê như bà Nguyễn Thị Ngọc Anh. Hơn 50 năm dành hết tâm huyết cho cà phê Buôn Mê, bà cũng không khỏi xót xa khi nhắc lại những thời điểm khó khăn.
Bà kể: "Năm 1992, giá cà phê từ chỗ mấy chục nghìn đồng, tụt hẳn xuống còn 4.000 đồng một kg. Lúc đó, tôi thấy người dân thu hoạch cà phê rồi mà thị trường hạn chế quá, giá cả thế này càng khó hơn, nên tôi đánh bạo đi thu mua để bà con có thêm kênh tiêu thụ".
Tuy nhiên, bà Ngọc Anh cho rằng không phải đợi đến lúc đi kinh doanh bà mới biết thị trường cà phê khắc nghiệt. Khi còn làm công nhân ở đồn điền cà phê của người Pháp, bà đã thấy có lúc cà phê khan hiếm, người ta huy động công nhân thu lượm cả hạt mầm, hạt rơi vãi nhưng cũng có lúc cà phê chín đỏ, không ai hái.
Ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT Vinacafé Biên Hòa, cho biết chọn cà phê Buôn Mê làm nguyên liệu, sản xuất ra sản phẩm mang đúng hương vị cà phê Buôn Mê là cách để Vinacafé làm rạng danh di sản đồng bào. Nhờ vậy, người nông dân sẽ có cơ hội nâng cao giá trị của cây cà phê bằng giá bán cà phê xứng đáng với công sức và chất lượng. Khi đời sống bớt khó khăn, họ sẽ an tâm gắn bó với cây cà phê, giúp di sản cà phê Buôn Mê được bảo tồn, phát triển.
Nói về quy trình sản xuất để giữ được hương vị nguyên bản của cà phê Buôn Mê Thuột, một chuyên gia thử vị cà phê cho rằng nguyên liệu cà phê Buôn Mê, qua mỗi công đoạn chế biến, không cần can thiệp quá nhiều hoặc thêm nhiều thành phần không cần thiết khác. Nếu có, đó chỉ là sự pha trộn thành phần đường, sữa phù hợp với gu của người Việt.
Một chuyên gia phối trộn cà phê cũng cho biết, từng công đoạn trong quá trình sản xuất cần được các chuyên gia giám sát chặt chẽ, nhất là việc căn chỉnh nhiệt độ để không làm mất đi cái tinh túy vốn có trong hạt cà phê Buôn Mê.
Nhằm góp phần giữ gìn giá trị nguyên bản của cà phê Buôn Mê Thuột, Vinacafé luôn đồng hành cùng người nông dân bên từng gốc cà phê. Bên cạnh đó, thương hiệu này cũng quyết định tài trợ và đồng hành với lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột, giúp di sản cà phê nơi đây có cơ hội quảng bá rộng rãi đến nhiều người tiêu dùng Việt.