Từ chiếc màn tuyn tới mục tiêu 3.000 tỷ đồng

Thành lập ngày 10-10-1974, Công ty Dệt 10-10 (nay là Công ty CP Dệt 10-10) là ngành kim đan dọc đầu tiên của miền Bắc lúc bấy giờ, được nước ngoài viện trợ thiết bị để sản xuất vải valyde và vải tuyn.

Từ một doanh nghiệp (DN) nhỏ của ngành công nghiệp Hà Nội, diện tích nhà xưởng chỉ 700m2, doanh thu hơn 40 tỷ đồng/năm, có khoảng 100 lao động, đến nay Dệt 10-10 đã khẳng định được vị thế trên thị trường dệt may, với 8 địa điểm sản xuất, 56 xí nghiệp may gia công sử dụng hơn 10.000 lao động, có cơ ngơi nhà xưởng hơn 50.000m2 đáp ứng nhu cầu sản xuất, với doanh thu dự kiến năm 2010 đạt 3.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD và nhiều năm liền được xếp trong Top 5 DN hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam.

Năm 2000, thực hiện chủ trương sắp xếp lại DN nhà nước, Dệt 10-10 là một trong số ít DN tiên phong cổ phần hóa (CPH) với việc 100% CBCNV đã mua cổ phiếu và trở thành cổ đông của công ty. Điều này đã tạo sự đồng thuận lớn trong tập thể những người lao động tại Dệt 10-10 với việc hướng tới mục tiêu lấy chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, màn tuyn Thủ đô đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng và từ năm 2003, khách hàng nước ngoài biết đến Dệt 10-10 từ sản phẩm màn tuyn Parmanet 2.0 có công dụng diệt muỗi hiệu quả.

Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt 10-10 Dương Văn Bình cho biết, sau CPH, công ty đã lấy mục tiêu xuất khẩu làm mũi nhọn để phát triển thị trường, trên cơ sở đầu tư đáp ứng sản xuất. Công ty đã đầu tư dàn chuỗi dệt kim đan dọc của Đức có công nghệ hiện đại; hệ thống máy xử lý vải cùng nhiều thiết bị phụ trợ và nhà xưởng khác, với tổng mức đầu tư trong 7 năm (từ 2003 đến nay) khoảng 200 tỷ đồng; tranh thủ hợp tác với các cơ quan thương mại, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn để trở thành cơ quan cung ứng cho xuất khẩu. Kết quả 10 năm trở lại đây cho thấy, công ty đã đánh giá đúng thị trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Dệt 10-10 đã liên tục được mở rộng, lượng đơn hàng luôn tăng cao. Dệt 10-10 đã cung cấp màn tuyn Parmanet 2.0 cho 25 nước của châu Phi. Sản phẩm này đã được Tổ chức Y tế thế giới chấp nhận. Hiện nay, trên thế giới có 5 nước sản xuất sản phẩm này là Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, riêng Việt Nam chiếm khoảng 40% thị phần.

Năm 2009, cũng như nhiều DN khác, Dệt 10-10 chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Giá cả, nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào, nguồn lao động và tiền lương… luôn biến động. Bên cạnh đó là sức ép về môi trường cần được cải thiện theo yêu cầu chung. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Dệt 10-10 tập trung đầu tư mở rộng sản xuất. Công ty tiếp tục đầu tư tại cơ sở sản xuất ở Cổ Bi (Gia Lâm) và Minh Khai nâng công suất lên hơn 9 triệu màn/tháng vào cuối năm 2010. Đồng thời, mở rộng đầu tư và phối hợp đầu tư tại các đơn vị gia công, với nhiều mô hình như cùng tham gia liên kết đầu tư, hoặc hỗ trợ các đơn vị gia công tự tổ chức đầu tư.

Liên tục trong nhiều năm, Dệt 10-10 nâng cao toàn diện khâu chất lượng, nhất là khâu quản lý. Phòng Quản lý chất lượng gia công ra đời nhằm tăng cường giám sát chất lượng cắt may của các đơn vị gia công. Một số phân xưởng cũng được thành lập và kiện toàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất và nâng cao khả năng cung cấp sản phẩm chất lượng cho khách hàng, như các phân xưởng lifestraw, kéo sợi, văng sấy 5… Mặt khác, công ty còn phối hợp với Tổ chức BVQI đào tạo, xây dựng và nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Ngoài hệ thống kiểm soát chất lượng của công ty, sản phẩm màn tuyn xuất khẩu của Dệt 10-10 còn chịu sự kiểm soát của Tổ chức Y tế thế giới về tiêu chuẩn chất lượng vì là sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người.

Năm 2010, công ty phấn đấu đạt 1.600 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu tăng khoảng 22% (trong đó XK tăng 42%) so với năm trước, sản lượng đạt 660 triệu mét vải tuyn và 80 triệu màn tuyn các loại. Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng, Dệt 10-10 tập trung ưu tiên chiến lược quy hoạch hệ thống kho tàng, rà soát cân đối lại mặt bằng sản xuất của các phân xưởng tại các khu vực, đồng thời tổ chức tốt khâu điều hành sản xuất giữa các khu vực; cân đối năng lực sản xuất và khai thác hơn nữa thị trường tiêu thụ nội địa mà vẫn tăng sản lượng màn xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng.

 

Bình luận của bạn