Ba Bể vào vụ thu hoạch bí xanh thơm

Hiện nay, cây bí xanh thơm trên địa bàn huyện Ba Bể đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Đây đang thời điểm đầu vụ nên giá bí xanh thơm khá cao và việc tiêu thụ cũng rất thuận lợi.

Hiện nay, cây bí xanh thơm trên địa bàn huyện Ba Bể đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Đây đang thời điểm đầu vụ nên giá bí xanh thơm khá cao và việc tiêu thụ cũng rất thuận lợi.

Vụ xuân 2022, toàn xã Địa Linh trồng được trên 80 ha bí xanh thơm và là địa phương có diện tích trồng bí xanh thơm lớn nhất của huyện Ba Bể. Đối với những diện tích trồng sớm, hiện nay, bà con nông dân đã bắt đầu thu hoạch quả bán cho thương lái. Thời điểm đầu vụ, giá bí xanh thơm khá cao, trung bình từ 15.000 đến 20.000 đ/kg nên mang lại nguồn thu nhập khá cho người trồng.

Năm nay, gia đình cô Đặng Thị Huấn, thôn Bản Váng, xã Địa Linh trồng 4.000 m2 bí xanh thơm - đây là nguồn thu nhập chính của gia đình cô trong vụ xuân này. Do dịch Covid-19 đã được kiểm soát trong cả nước nên việc tiêu thụ bí xanh thơm năm 2022 cũng khá thuận lợi. Đến thời điểm này, gia đình cô Huấn đã thu hoạch bán cho tư thương được hơn 1 tấn quả bí xanh thơm. Giá bán đầu vụ được 15.000 đồng/kg, hiện nay, giá bán xỉ giảm còn 10.000 đồng/kg trong khi giá bán lẻ vẫn được 15.000 đồng/kg.

Năm 2022, toàn huyện Ba Bể trồng được trên 180 ha bí xanh thơm, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã nằm dọc trục đường 258 như: Địa Linh, Yến Dương, Chu Hương và Mỹ Phương. Vào thời điểm khi mới trồng, do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại nên một số diện tích bí xanh bị bệnh sương mai, thối thân, lở cổ rễ gây hại; tháng 3/2022 vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, một số diện tích bí xanh thơm bị ngập nước, nước lũ tràn qua, dù đã được khắc phục kịp thời nhưng cũng cho năng suất không cao.

Theo cô Đặng Thị Huấn, thôn Bản Váng, xã Địa Linh, do ảnh hưởng bởi thời tiết rét đậm, rét hại đầu vụ gieo trồng nên cây sinh trưởng, phát triển kém hơn năm trước. Nếu như năm 2021, dịp 30/4 - 1/5, bí xanh thơm đã cho thu hoạch thì năm nay đến cuối tháng 5, những quả bí đầu vụ mới bắt đầu cho thu hoạch. Do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại nên sản lượng và năng suất cũng thấp hơn năm trước. Vụ này, gia đình cô Huấn thu hoạch ước khoảng 8 tấn, giảm 5 tấn so với vụ 2021.

Diện tích bí xanh thơm toàn huyện Ba Bể năm nay tăng cao hơn năm trước nên để đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chủ động làm việc với các hợp tác xã (HTX), cơ sở kinh doanh trên địa bàn để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh giới thiệu, xúc tiến thương mại hàng hóa ra thị trường và hệ thống siêu thị trên toàn quốc…

Theo Giám đốc HTX Yến Dương Ma Thị Ninh, vụ bí xanh thơm này, HTX có kế hoạch tiêu thụ 2.000 tấn bí cho các thành viên HTX cùng các hộ dân liên kết sản xuất với HTX Yến Dương. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, HTX Yến Dương đã tiêu thụ được 30 tấn bí xanh thơm, trong đó 20 tấn bí tươi và 10 tấn bí để sản xuất trà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Trung Ngọc Mẫn cho biết, để giúp bà con tiêu thụ bí xanh thơm được thuận lợi, huyện đã có các giải pháp như: Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại bí xanh thơm; chuẩn bị phối hợp tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn năm 2022, trong đó có hoạt động trải nghiệm vùng sản xuất bí xanh thơm thôn Bản Váng, xã Địa Linh để quảng bá sản phẩm bí xanh thơm của địa phương; tạo điều kiện kết nối các HTX, doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Những năm gần đây, cây bí xanh thơm đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho một số xã của huyện Ba Bể và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm bí xanh thơm chưa ổn định, chỉ một phần diện tích trồng bí được các hợp tác xã ký kết bao tiêu sản phẩm, còn lại bà con vẫn đang bán cho tư thương đến thu mua tại địa phương. Chính vì vậy, sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn năm 2022 được tỉnh tổ chức tại huyện Ba Bể từ ngày 1 - 3/6/2022 sẽ là cơ hội để địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm bí xanh thơm, kết nối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm./.

 

Bình luận của bạn