Chem chép biển – Món ngon của Quảng Bình
Quảng Bình không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh biển đẹp mà còn có nguồn hải sản vô cùng phong phú, được chế biến thành nhiều đặc sản hấp dẫn. Bên cạnh những hải sản thông thường với cá, tôm, cua, mực,… thì còn có những loại hải sản nghe tên rất lạ như chem chép. Đây là một sản vật quý của Quảng Bình, có thể chế biến thành nhiều món tuy dân dã nhưng lại khiến người ăn nhớ mãi
Quảng Bình không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh biển đẹp mà còn có nguồn hải sản vô cùng phong phú, được chế biến thành nhiều đặc sản hấp dẫn. Bên cạnh những hải sản thông thường với cá, tôm, cua, mực,… thì còn có những loại hải sản nghe tên rất lạ như chem chép. Đây là một sản vật quý của Quảng Bình, có thể chế biến thành nhiều món tuy dân dã nhưng lại khiến người ăn nhớ mãi.
Món ngon từ chem chép
Chép thuộc họ ngao, hến ở biển. Chúng thường sống ở những cồn cát, hang của nó nằm sâu dưới lòng cát mịn. Chem chép càng lớn thì hang ở lại càng sâu, người đi cào chỉ thường phải mang cái vá hay cái dẹp và cào trong nhiều giờ mới được nhiều chem chép. Hình của chem chép dẹp mà thon, vỏ rất cứng, hoa văn có đủ màu sắc trên nền trắng, phần đầu bụng lớn mà mập, còn phần đầu miệng nhỏ mà lép. Con to nhất thường bằng ngón tay cái, con nhỏ vừa ăn cũng bằng ngón tay út. Chiều dài con chép khoảng 3 cm, chiều rộng khoảng 2 cm. Mùa vụ của chép thường vào sau tiết đông chí, càng lạnh thì chép lại càng ngon.
Trước khi đem chép để chế biến thành món ăn, cần phải làm sạch cát ở chem chép. Để loại bỏ cát ra khỏi con chép thì cần thả chem chép vào một chậu nước muối, pha với tỷ lệ sao cho có độ mặn giống như nước biển, để yên lặng vài giờ, chép sẽ há miệng ra, nhờ đó cát trong bụng chép sẽ rơi ra ngoài, lắng xuống đáy chậu. Sau đó chỉ cần vớt chép ra là đã có chem chép sạch để chế biến món ăn.
Chem chép có thể chế biến thành nhiều món ngon khác nhau, từ luộc đến hấp, nướng, xào hay thậm chí là nấu cháo. Tuy nhiên,phổ biến nhất là chem chép luộc. Cho chem chép vào nồi nước đang sôi cùng và thả vào vài cọng sả đập dập,thêm vài lát ớt tươi cắt mỏng cùng một ít mắm muối sao cho vừa miệng. Vì chem chép tiết nước ra đã rất ngọt nên không càn phải nêm gia vị quá cầu kì mà vẫn đảm bảo mùi vị đậm đà. Đợi cho nồi nước luộc sôi trong khoảng năm bảy phút là được. Chem chép luộc mà ăn kèm bánh tráng giòn thì thật tuyệt. Vị bùi bùi của bánh tráng, vị mằn mặn, ngòn ngọt, beo béo của chem chép. Ăn đến đâu là cảm nhận ngay vị ngon đến đó.
Với món chem chép nướng cần chọn những con thật to vì càng to thì càng ngon. Những con chép còn tươi ngon sẽ được đặt lên vỉ và đem nướng trên than hồng. Đợi cho đến khi chem chép hả miệng là chín. Ăn chem chép ngay từ khi còn nóng mới ngon. Vừa thổi vừa banh vỏ, vắt chút chanh, chấm muối tiêu rồi húp nước. Sau đó có thể dùng tay rứt chem chép ăn cùng lá gừng. Thưởng thức chem chép nướng này sẽ giúp bạn cảm thấy thơm tho, sảng khoái miệng lưỡi…
Chem chép đem nấu cháo cũng là món ngon không thể bỏ lỡ. Gạo vo sạch, được rang lên rồi nấu thành cháo chín riu riu trên bếp. Chem chép đã hấp, gỡ thịt phi hành thơm rồi xào qua, rồi đem tất cả cho vào nồi cháo đang sôi. Xong thêm tiêu chín đập dập, gừng giã nhỏ. Chỉ mất chưa đến nửa tiếng đồng hồ là đã có tô cháo chem chép nghi ngút khói, được điểm xuyết thêm chút màu xanh của rau, chút đỏ đỏ của những lát ớt. Cháo chem chép không những bổ dưỡng mà còn nhanh chóng giúp du khách giải các cơn say.
Nếu có dịp đến Quảng Bình, bạn đừng quên nếm thử đặc sản chem chép nhé. Vài con chép bóc bằng tay và nhấp lấy một hớp rượu, hay một hớp bia, chắc chắn sẽ thấy hết cái ý nghĩa của thành ngữ văn hóa ẩm thực: “sơn hào hải vị”… tại đất Quảng Bình.