Đặc sản tép dầu khô lòng hồ thủy điện Sơn La
Sáng sớm, những chiếc thuyền chở cá tép dầu đánh bắt trên sông Đà tập trung ở chân cầu Pá Uôn, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai, Sơn La) để bán cho những đầu mối thu mua về làm cá khô. Đây là món ăn đặc trưng của đồng bào người Thái vùng sông nước.
Sáng sớm, những chiếc thuyền chở cá tép dầu đánh bắt trên sông Đà tập trung ở chân cầu Pá Uôn, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai, Sơn La) để bán cho những đầu mối thu mua về làm cá khô. Đây là món ăn đặc trưng của đồng bào người Thái vùng sông nước.
Người dân sử dụng những chiếc vó diện tích lớn thả xuống sông Đà, thắp điện cả đêm để dụ cá đến, mờ sáng hôm sau dong thuyền đi thu hoạch. Cá tươi mua tại thuyền là 10.000 đồng một kg.
Trước kia cá rất ít, sau khi làm thủy điện Sơn La, tổng diện tích mặt nước tăng lên, cá sinh sôi nảy nở, đánh bắt được quanh năm. Theo thống kê, năm 2017 toàn huyện Quỳnh Nhai khai thác được 540 tấn thủy sản.
Để mổ cá phải dùng dao nhỏ, sắc. Cá mổ từ lưng để khi phơi nhanh khô.
Mỗi mẻ cá khoảng 5 kg được rửa sạch cho ráo nước. Mùa cao điểm, các gia đình phải thuê thêm nhân công làm việc, mỗi người mổ liên tục cả chục cân mỗi sáng. Có gia đình mỗi ngày chế biến 2 tạ cá tươi.
Cá ráo nước tới đâu ướp gia vị tới đó bởi tép dầu thân mỏng nên khi mổ xong phân hủy rất nhanh.
Gia vị chính là ớt tươi, đường, muối và sa tế. Tất cả được ướp trộn trong 15 phút, sau đó đem phơi nắng.
Thời tiết Sơn La thuận tiện cho việc phơi cá bởi ban ngày nắng gắt, đêm lạnh. Cá đem phơi chỉ sau hai nắng là được.
Hàng nghìn con cá được phơi thủ công để "no nắng" không bị vón cục, có màu vàng đẹp.
Cá tép dầu khô nơi đây được so sánh với cá chỉ vàng ở vùng biển.
Cứ 5 kg cá tươi chế biến được một kg cá khô. "Với cách chế biến tép dầu khô đặc trưng của vùng đất này, người thưởng thức sẽ thích thú bởi hương thơm, độ ngậy, vị ngọt, cay… đan xen trong những thớ thịt trắng ngần của cá", Mề Thị Duyên xã Chiềng Bằng nói.
Cá tép dầu khô được coi là đặc sản huyện Quỳnh Nhai, giá bán 180.000 đồng/kg. Nghề làm cá khô mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân kể từ khi họ di dời để tích nước cho thủy điện Sơn La.