Kiên Giang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản
Kiên Giang đã có 21 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể, chủ yếu có nguồn gốc từ nông nghiệp, những sản phẩm này đã và đang tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu, cụ thể gồm: Hồ tiêu Phú Quốc, Khóm Tắc Cậu, Khô cá sặc rằn U Minh Thượng, Sò huyết An Biên- An Minh, Gạo một bụi trắng U Minh Thượng, Mắm cá lưỡi trâu U Minh Thượng… Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm nông thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 1 mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế USDA tại hợp tác xã Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các chương trình, mô hình khuyến nông có hiệu quả, phù hợp với vùng sinh thái, quy hoạch của ngành.
Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Kiên Giang
Hồ Tiêu Phú Quốc
Tiêu là một loại gia vị được coi là đặc sản nổi tiếng của huyện đảo Phú Quốc. Do điều kiện thổ nhưỡng đặc thù của đất đảo nên hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng, do có hàm lượng tinh dầu cao nên đặc biệt có đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu trồng ở nơi khác. Tiêu đỏ (tiêu chín) là loại tiêu đặc trưng được người dân Phú Quốc thu hoạch thủ công theo từng đợt trái chín, chọn lựa những quả chín phơi riêng. Tiêu đỏ được tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu sọ (tiêu trắng), trong các loại tiêu thì tiêu sọ là loại ngon nhất và đắt tiền nhất. Những quả còn xanh sau khi phơi khô được gọi là tiêu cội (tiêu đen).
Theo cách canh tác tiêu truyền thống, hàng năm người trồng tiêu thường lấy một phần đất mới xung quanh vườn vun đắp vào xung quanh gốc cây tiêu (còn gọi là "đất xây thầu"). Cây nọc (trụ, cọc) chủ yếu là lấy từ lõi của các loại cây rừng như ổi rừng, kiềng kiềng, trai, chay, săn đá. Nhưng ngày nay việc khai thác các loại cây làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng nên người trồng tiêu đã dùng cọc bê tông. Phân bón chủ yếu là phân bò, phân cá, xác. Hom giống (thân dây tiêu) chủ yếu trồng từ hom thân nên giá thành rất cao trung bình từ 300 - 400 triệu/ha nên ít có nông dân đủ tiền trồng một lần đủ diện tích lớn mà phải trồng từ từ nhiều năm, nên một vườn tiêu ở Phú Quốc thường có nhiều độ tuổi khác nhau.
Sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc Kiên Giang
Phú Quốc hiện có 717 hộ trồng tiêu với diện tích hơn 300 ha tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. Hồ tiêu Phú Quốc đã được công nhận thương hiệu quốc gia, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Năng suất tiêu ở Phú Quốc trung bình khoảng 2-3 tấn/ha, mật độ trồng từ 2.500 - 3.000 nọc/ha.
Tháng 2 năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Quốc cho Hội Hồ tiêu huyện Phú Quốc.
Nghề trồng tiêu Phú Quốc đã và đang được nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận GlobalGAP. Đây là điều kiện để hồ tiêu Phú Quốc có thể mở rộng thị trường tiêu thụ ra thế giới đồng thời góp phần quảng bá cho du lịch Phú Quốc. Bên cạnh các đề tài nghiên cứu khoa học về công nghệ, sinh học cần có những công trình nghiên cứu ứng dụng về kinh tế - xã hội để nâng cao tầm giá trị của nghề trồng tiêu Phú Quốc không chỉ dừng lại ở việc khai thác sản phẩm nông nghiệp mà kết hợp khai thác nhiều hơn nữa nguồn lợi này từ du lịch.
Mắm cá lưỡi trâu U Minh Thượng
Mắm Cá Lưỡi Trâu là đặc sản huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) được người dân làm từ Cá Lưỡi Trâu, trải qua nhiều công đoạn kỳ công từ đánh bắt, Ủ ướp, sau đó là thính và chao tạo nên hương vị đặc biệt
Cá lưỡi trâu sống nhiều ở sông Cái Lớn, thường xuất hiện nhiều nhất vào đầu mùa mưa. Cá Lưỡi Trâu để làm Mắm phải là Cá Lưỡi Trâu sống tại vùng nước lợ, chủ yếu sống ở các cửa sông lớn gần biển, mùa thu hoạch rộ vào khoảng tháng 6 đến tháng 9 dương lịch, khi trời mưa nhiều chủ yếu tập trung tại vùng U Minh Thượng. Ngoài ra để có được món cá mắm lưỡi trâu đặc sản phải trải qua cả chục công đoạn từ khâu đánh bắt sàn lọc chọn từng cá thể cá... đến khi thành phẩm, kéo dài từ 4-5 tháng mới ra được 1 đợt mắm.
Mắm Cá Lưỡi Trâu có thể chế biến thành nhiều món ăn như: ăn sống, mắm chưng, mắm kho, lẩu mắm…, nhưng phổ biến nhất vẫn là ăn sống kèm với thịt luộc, rau xanh, chuối chát. Ngoài ra, rừng U Minh Thượng có rất nhiều loại rau tự nhiên có thể ăn chung với mắm là bông điên điển, bông lục bình, bông súng, đọt choại, lá sen non…
Tháng 12 năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Hội Nông dân huyện U Minh Thượng địa chỉ tại ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
Sò huyết An Biên - An Minh Kiên Giang
Sò huyết An Biên - An Minh tỉnh Kiên Giang được xem là đặc sản bởi thịt sò ngon, ngọt và béo. Sò huyết được nuôi rất phổ biến ở các huyện An Biên, An Minh với các hình thức khác nhau như: Nuôi đăng quầng ngoài vùng bãi bồi ven biển, nuôi trong ao tôm và nuôi trong kênh mương xen rừng phòng hộ ven biển.
Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu về bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm Sò huyết An Biên - An Minh cho Hội Nông dân huyện An Minh là chủ sở hữu.
Sản phẩm sò huyết An Biên - An Minh Kiên Giang
Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu nguồn thực phẩm mang tính tự nhiên đang hấp dẫn với thị hiếu người tiêu dùng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, việc tiêu thụ và chế biến các sản phẩm thủy sản đặc biệt chỉ dùng sản phẩm còn sống mới có giá trị thì vị trí của sò huyết được chiếm ưu thế cao.
Để nâng cao hiệu quả nuôi sò huyết trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang rà soát, quy hoạch lại vùng ven biển U Minh Thượng, nhất là khu vực rừng phòng hộ ở hai huyện An Biên và An Minh. Ngành thủy sản tỉnh này triển khai thực hiện các giải pháp, kỹ thuật nuôi sò huyết an toàn, bền vững và hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, ổn định dân sinh xã hội, khôi phục môi trường sinh thái rừng phòng hộ ven biển.