Phú Thọ nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống
Trong những năm qua, việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm làng nghề ở Phú Thọ đã mang lại giá trị kinh tế, góp phần khôi phục, mở rộng sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm chủ yếu với 58%; nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm tỷ lệ 26%; còn lại là nhóm làng nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh và xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Năm 2016, tỉnh Phú Thọ đã triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các làng nghề. Từ đó đến nay, toàn tỉnh đã và đang xây dựng, tạo lập, quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 21 sản phẩm. Trong đó, tạo lập, quản lý và phát triển 10 nhãn hiệu tập thể là sản phẩm của các doanh nghiệp và hợp tác xã thuộc làng nghề. Một số sản phẩm làng nghề đặc trưng có sức cạnh tranh như: Rau an toàn Phú Lợi (làng nghề sản xuất rau an toàn Phú Lợi, phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ), cá chép đỏ Thủy Trầm (làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê), nghề mộc Vân Du (tại xã Vân Du, huyện Đoan Hùng), chè Phú Thịnh (Làng nghề Sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh), nghề sản xuất ngư cụ thuỷ sản Thao Hà …
Một số làng nghề tiêu biểu:
Làng nghề mộc Vân Du
Làng nghề mộc Vân Du (tại xã Vân Du, huyện Đoan Hùng) được UBND tỉnh công nhận từ năm 2011 với sản phẩm chính là mộc gia dụng. Trung bình mỗi năm làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 7.000 sản phẩm mộc gia dụng các loại như giường, tủ, bàn ghế… Tổng doanh thu làng nghề mỗi năm ước đạt trên 300 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 700 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề hiện phát triển 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH chế biến gỗ Phúc Lộc, Công ty chế biến lâm sản Phúc Đại Thành và doanh nghiệp tư nhân Vân Du. Ngoài ra có khoảng 30 cơ sở chế biến với gần 60 hộ tham gia sản xuất. Sự phát triển các doanh nghiệp trong làng nghề đã giúp chủ động đầu ra cho sản phẩm làng nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động cũng như thuận lợi hơn trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu địa phương. Hiện làng nghề đã hoàn thiện hồ sơ, đang đợi các cấp có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm mộc của làng nghề.
Sản phẩm gỗ của Làng nghề mộc Vân Du
Làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh
Người dân Phú Thịnh xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ đã trồng chè từ cách đây hơn 100 năm và được chính thức công nhận là Làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh từ tháng 12/2014. Từ đó, làng nghề đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của người dân làng nghề có những thay đổi đáng kể.
Làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh có 25 ha trong tổng số 78 ha chè của xã, với 130 hộ trồng chè (hộ nhiều nhất hơn 2 ha chè và hộ ít nhất có 3 sào), trong đó có 39 hộ chế biến chè. So với các làng chè khác trong tỉnh, làng chè Phú Thịnh có điều kiện thuận lợi để nâng cao năng suất và chất lượng chè vì thường xuyên được cán bộ của Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; trồng thí điểm các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Các giống chè thường được trồng ở đây là LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…
Người dân trồng chè chú trọng áp dụng quy trình an toàn trong chăm sóc và chế biến để sản xuất được những sản phẩm chè chất lượng tốt, đảm bảo an toàn, có hương thơm, vị đượm đặc trưng nên ngày càng được nhiều khách hàng tìm mua. Một số hộ đã đầu tư máy vò chè, sao chè để nâng cao công suất, giảm sức lao động. Nhiều hộ đã phát triển kinh tế từ ươm bầu chè giống, hiện nay chè giống của làng không chỉ có mặt ở Phú Thọ mà còn được khách hàng ở rất nhiều tỉnh như Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lâm Đồng… ưa chuộng.
Sản phẩm chè xanh Phú Thịnh
Làng nghề sản xuất ngư cụ thủy sản Thao Hà:
Làng Thao Hà nay là khu 9 xã Bằng Giã nằm ở phía tây vùng trung huyện Hạ Hòa, là nơi thuận lợi trong đánh bắt và khai thác nguồn lợi thủy sản. Làng có 106 hộ /401 khẩu và có tới 90% vẫn giữ nghề truyền thống sản xuất ngư cụ. Hơn 100 năm giữ nghề, trải qua những tháng năm khó khăn thời bao cấp, rồi chuyển sang nền kinh tế thị trường, Thao Hà vẫn luôn duy trì và phát triển các sản phẩm chủ yếu của làng nghề như: Vó, chũm, vợt, cước sợi, dù sợi, chì, phao…
Năm 2010, nghề sản xuất ngư cụ thuỷ sản Thao Hà được công nhận làng nghề. Hình thức sản xuất, dịch vụ ngư cụ thuỷ sản theo yêu cầu của khách hàng (lưới đơn, lưới kép, chũm, vợt, vó to, nhỏ các loại,…), chuyên cung ứng vật tư: Cước sợi, dù sợi, chì, phao; tiêu thụ sản phẩm ở loại hình bán buôn, bán lẻ. Các thành viên trong làng tham gia lao động, làm nghề đều gắn kết chặt chẽ có tổ chức và sản xuất theo mô hình gia đình.
Nghề sản xuất ngư cụ đánh bắt thủy sản ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt, do tính chất làm việc của nghề là lao động nhẹ nhàng, lực lượng lao động được sử dụng đối với mọi lứa tuổi, số thời gian tham gia lao động (làm nghề) trong ngày cao, thời tiết cũng không làm ảnh hưởng tới năng suất lao động, sản phẩm bán có giá trị thu nhập cao...
Sản phẩm làm ra được ngư dân làng chài ở nhiều nơi như: Sơn La, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Giang tin dùng, do đó hàng hoá sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện nay, số hộ tham gia làng nghề là 98 hộ, lực lượng lao động tham gia sản xuất, làm nghề chính chiếm trên 80%. Nghề sản xuất ngư cụ Thao Hà đã và đang góp phần vào xóa đói giảm nghèo tại địa phương, lưu giữ giá trị văn hóa đối với nghề đan lát cổ truyền.