Khởi nghiệp từ một bữa ăn trưa
Giữa năm 1992, Fataco được thành lập, mục đích ban đầu là kinh doanh nguyên vật liệu ngành nhựa. Năm 1993, ông Thành cùng đoàn doanh nghiệp TPHCM đi tham quan, khảo sát thị trường Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong lần đoàn ghé vào một nhà hàng lớn tại Thái Lan dùng bữa trưa, khi người phục vụ bưng thức ăn lên cho đoàn thì bị trượt chân, toàn bộ mâm đồ ăn đổ văng tung tóe, nhưng chén, dĩa không có cái nào bị vỡ. Tò mò, ông nhặt xem thử và được biết đó là những sản phẩm được làm bằng nhựa melamine.
Những năm đầu thành lập, mẫu mã sản phẩm của ông chỉ có vài trăm với khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Đến nay, công suất đã tăng lên hơn 8 triệu tấn sản phẩm/năm với hơn 5.000 mẫu mã, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10% năm. Năm 2008, doanh số công ty của ông đạt hơn 200 tỉ đồng, thị phần không ngừng mở rộng.
Những người trong nghề gọi ông là “ông trùm melamine”. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chuyện khởi nghiệp của ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Phát Thành (Fataco), lại bắt đầu từ một buổi ăn trưa.
Từ một bữa ăn
Ông Thành kể trước năm 1991 ông có một cơ sở sản xuất cao su, vỏ ruột xe gắn máy, xe đạp và dây thun. Nhưng vì nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất các mặt hàng trên, thị trường có phần bão hòa, cạnh tranh gay gắt, ông quyết định chuyển hướng.
Giữa năm 1992, Fataco được thành lập, mục đích ban đầu là kinh doanh nguyên vật liệu ngành nhựa. Năm 1993, ông Thành cùng đoàn doanh nghiệp TPHCM đi tham quan, khảo sát thị trường Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong lần đoàn ghé vào một nhà hàng lớn tại Thái Lan dùng bữa trưa, khi người phục vụ bưng thức ăn lên cho đoàn thì bị trượt chân, toàn bộ mâm đồ ăn đổ văng tung tóe, nhưng chén, dĩa không có cái nào bị vỡ. Tò mò, ông nhặt xem thử và được biết đó là những sản phẩm được làm bằng nhựa melamine.
Khi trở về, ông Thành quyết định tiến hành khảo sát thị trường và nhận thấy các mặt hàng được làm bằng nhựa melamine tại thị trường Việt Nam hầu hết được nhập từ Thái Lan và Trung Quốc. Điều này khiến ông suy nghĩ đến việc sản xuất những sản phẩm này.
Mang suy nghĩ đó sang Đài Loan, thông qua một số người quen giới thiệu, ông đến tham quan một số xưởng chuyên sản xuất máy móc và cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm nhựa melamine. Nhận thấy công nghệ sản xuất mặt hàng này cũng khá đơn giản, sản phẩm lại được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, do có độ bền, mẫu mã dễ thay đổi... đã thôi thúc ông quyết định dồn hết vốn liếng dành dụm được (khoảng 200.000 đô la Mỹ lúc bấy giờ) mua liền năm máy ép và một số khuôn mẫu đem về Việt Nam sản xuất.
Sau một vài lần sản xuất thử, sản phẩm tô, chén, dĩa bằng nhựa melamine của Phát Thành cũng xuất hiện trên thị trường vào năm 1993 và nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận. Hàng bán khá chạy, cạnh tranh được với hàng của Thái Lan và Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, để có được một mẫu sản phẩm mới không phải là điều đơn giản, chưa doanh nghiệp nào trong ngành chế tạo khuôn mẫu trong nước đáp ứng được yêu cầu của công ty. Vì thế, mỗi khi muốn sản xuất một mặt hàng mới, công ty phải gửi bản thiết kế sang Đài Loan để đặt khuôn, có khi mất 3-4 tháng mới xong. Chính hạn chế này khiến doanh số của công ty có phần chững lại sau gần ba năm đưa sản phẩm ra thị trường cho dù sản phẩm của công ty tuy chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, nhưng mẫu mã còn khiêm tốn so với các sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc.
Từ đó, ông Thành quyết định đầu tư thêm máy móc, dây chuyền sản xuất, và cả máy in offset và máy làm bản kẽm để chủ động trong việc thiết kế mẫu mã sản phẩm. Từ 200-300 mẫu ban đầu, chỉ chưa đầy hai năm sau, công ty đã sản xuất hơn 1.000 mẫu sản phẩm. Và hiện Fataco có hơn 5.000 mẫu sản phẩm lưu hành trên thị trường.
Bên cạnh đó, công ty còn đẩy mạnh công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước, giúp công ty ổn định sản xuất và mức tăng trưởng hàng năm. Ông Thành cho biết trước đây các sản phẩm của Fataco chủ yếu được xuất khẩu qua Mỹ, Úc, New Zealand, Anh, Pháp, Đức… tỷ lệ tăng trưởng hàng năm không đáng kể. Công ty chuyển hướng thâm nhập vào thị trường các nước lân cận như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và gặt hái khá nhiều thành công. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, doanh số xuất khẩu của Fataco sang các nước Âu-Mỹ giảm mạnh, từ 2 triệu đô la Mỹ xuống còn khoảng 500.000 đô la trong năm 2008. Nhưng bù lại, nhờ những thị trường lân cận tăng trưởng tốt, nên kim ngạch xuất khẩu của công ty vẫn duy trì ổn định ở mức 30% trên tổng sản lượng.
Mặc dù khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp giảm lao động, nhưng tại Fataco, số lượng công nhân vẫn tăng. Lương của người lao động mới vào làm việc từ 1,5-2 triệu đồng/tháng, còn những công nhân lâu năm nhận mức lương 3-4 triệu đồng/tháng. Dự kiến, khi dây chuyền sản xuất mới đi vào sản xuất, số lượng công nhân sẽ tăng từ 800 hiện nay lên khoảng 1.000 lao động.
Đầu tư để thành công
Để cải tiến chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị phần, Fataco vẫn tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị trong tình hình kinh tế suy thoái. Công ty vừa đầu tư hơn 4 triệu đô la Mỹ để mua hàng loạt máy móc và thiết bị hiện đại cho các dây chuyền sản xuất. Trong đó có 60 chuyền máy ép nhựa melamine, nâng tổng số lên 220 chuyền máy. Công ty cũng mua thêm 14 máy tiện, máy phay CNC, 15 máy ép nhựa công nghệ hiện đại để sản xuất phụ tùng xe máy, cùng dàn máy đo khuôn mẫu chính xác, máy in offset, máy làm bản kẽm phục vụ khâu in ấn.
Ông Thành cho biết, hồi đầu năm 2008, khi một số sản phẩm sữa trên thị trường bị nhiễm melamine khiến nhiều người tiêu dùng có tâm lý e ngại những sản phẩm có tên melamine, đã gây ảnh hưởng nặng nề đến Fataco, sản phẩm làm ra không bán được, lượng tồn kho có lúc lên đến hơn 40%.
Nhiều phương án, giải pháp tháo gỡ đã được đưa ra. Ngoài việc gửi mẫu sản phẩm đi xét nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng III, công ty còn gửi mẫu sang Mỹ, Đài Loan để kiểm nghiệm. Nhờ đó, người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm, giúp công ty lấy lại thị trường. Sáu tháng đầu năm 2009, công ty đạt mức tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2008, sản lượng tăng hơn 40% so với cùng kỳ.
Bên cạnh việc phát triển dòng sản phẩm từ melamine, ông Thành còn quyết định bỏ ra hơn 600.000 đô la Mỹ để nhập một dây chuyền sản xuất hộp đựng thức ăn từ bột bắp, bột mì, có thể tự phân hủy hoàn toàn sau ba tháng trong môi trường tự nhiên. Tuy hiện tại chưa có đơn hàng nào đối với các sản phẩm trên, nhưng ông Thành vẫn tin vào sự thành công của dòng sản phẩm bao bì tự hủy khi ý thức của người tiêu dùng về môi trường được cải thiện, vì theo ông, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển không có cách nào khác là phải luôn đầu tư cho sản xuất.
VnCharm