Ông nông dân và khát vọng đưa cam Vinh trở lại thời hoàng kim

Những ngày cam Vinh bị “thất sủng”, từng gốc cam một thời thấm đẫm mồ hôi của những người công nhân bị chặt làm củi chất đống một góc nông trường khi cây cam hết nhiệm kỳ. Cam Vinh dần biến mất ngay trên mảnh đất đã sản sinh ra nó, thay bằng các loại cây khác.

Gần 50 tuổi và 30 năm gắn bó với cam Vinh, từ những ngày cam Vinh còn là thương hiệu lẫy lừng đưa đi xuất khẩu, cho đến khi nông trường cam dần chuyển đổi sang các cây công nghiệp khác, ông Nguyễn Đình Kỳ một nông dân ở (Quỳ Hợp - Nghệ An) vẫn âm thầm nuôi ước vọng làm sống lại thời kỳ huy hoàng của thương hiệu cam Vinh.

Chắt chiu cho những mùa cam

Theo cam từ những ngày miền Tây xứ nghệ còn là một khu kinh tế mới, hoang vu, khô cằn, ông Kỳ nói đã có không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của vợ chồng ông đổ xuống vùng đất này để vun tưới cho những gốc cam của nông trường. Nhưng đó cũng là thời kỳ đẹp nhất, huy hoàng nhất. Cam Vinh được ưa chuộng trên thị trường, còn được chọn là hàng hóa xuất khẩu, đêm đêm đèn ô tô sáng trưng cả một góc nông trường, từng người công nhân ngồi quây giữa lô cam: phân loại, lau sạch, bọc quả vào giấy và xếp đều tăm tắp vào thùng gỗ rồi cho lên thùng xe. 9-10 giờ đêm mới được về nhà, vất vả nhưng rất vui. Thậm chí để đủ sản lượng xuất khẩu, nông trường cấm công nhân ăn cam thế mà ai cũng nghiêm túc chấp hành.

alt

Thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, ông Kỳ không giấu nổi ngậm ngùi khi nghĩ lại những ngày cam Vinh “thất sủng”, từng gốc cam một thời thấm đẫm mồ hôi của những người công nhân bị chặt làm củi chất đống một góc nông trường khi cây cam hết nhiệm kỳ. Cam Vinh dần biến mất ngay trên mảnh đất đã sản sinh ra nó, thay bằng các loại cây khác. Để mưu sinh, ông Kỳ cũng không phải là ngoại lệ. Thế nhưng tình yêu với cây cam thì không thể dứt được trong ông.

Ý tưởng xây dựng lại thời kỳ hoàng kim của cam Vinh nảy sinh khi ông chứng kiến một cán bộ Hà Nội ấn tượng vì vị ngon, ngọt của cam Vinh từ lúc còn nhỏ, đến khi có dịp công tác vào Vinh muốn mua một ít cam làm quà nhưng rồi đành mua bực vào người khi chất lượng cam không được như ý. “Gia đình tôi cũng đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác nhưng không thành. Nhiều lần ra thành phố, thấy người ta mời mua cam Vinh, biết rõ là không phải nhưng cãi nhau với lái thương chỉ thêm bực mình không chịu nổi. Rồi con gái tôi đọc báo kể: Cam Vinh được trồng ở Trung Quốc. Tôi bàn với vợ phải trồng cây cam cho bằng được. 03 ha cam, trồng 5 năm mồ hôi nước mắt ròng rã, đổ vào không biết bao nhiêu tiền của, nếu mất mùa, sâu bệnh hay mua phải giống cam không ra trái là coi như bao tiền của đổ xuống sông xuống biển”- ông Kỳ trầm tư. Nhưng cam đã không phụ người khi ngay vụ đầu, vườn cam nhà ông trúng lớn. Nhìn những quả cam chín vàng trĩu nặng trên cành, khi bổ cam, mùi thơm thanh nhẹ, ngọt ngào, ít hạt, mọng nước, ông Kỳ và vợ mừng chảy nước mắt. Ước mơ về một ngày cam Vinh “sống lại” đã có thể thấy được từng ngày.

Ông nông dân có tầm nhìn xa

Cam có rồi, coi như đã thành công một nửa. Nhưng để bán được cam còn gian khó hơn. Thời kỳ đầu cũng đã có nhiều gia đình ở Nghệ An trồng cam nhưng rồi đành chịu thất bại vì thị trường ảm đạm, kỹ thuật canh tác không đồng bộ, chủ yếu vẫn trồng và chăm sóc dựa theo kinh nghiệm truyền thống. Cam Vinh ra thị trường với chất lượng không còn được như trước. Sự trộn lẫn của nhiều loại cam từ các vùng miền khác nhau cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng của cam Vinh. Giá thành của cam giảm sút, người trồng cam cũng trở nên lao đao, nhiều gia đình đã phải phá đi để trồng loại khác.

Không cam tâm chấp nhận, ông Kỳ quyết định phải đi từ những bước nhỏ nhất. Từ việc lặn lội đưa từng thùng cam đi biếu, ký gửi các siêu thị, nhà hàng, ra Hà Nội vào tận các chợ, siêu thị khảo sát thị trường cho đến tỉ mẩn in các bao bì sao cho bắt mắt, ứng dụng kỹ thuật và giống mới để cam có thể chín đúng vào dịp Tết nguyên đán. Táo bạo hơn, ngay thời điểm thương mại điện tử còn mới được manh nha ở Việt Nam, ông Kỳ đã lên ý tưởng dựng một website của gia đình để giới thiệu sản phẩm trực tiếp và để người mua có thể đăng ký mua hàng ngay trên website www.nongtraitinhyeu.com. Không phụ lòng người, cam Vinh của ông Kỳ dần được thị trường biết đến và có những đơn đặt hàng thường xuyên. Sự táo bạo này còn giúp ông kỳ được nhận Giải thưởng Nông dân Sáng tạo toàn quốc.

Tin vui đến với ông Kỳ khi dự án xây dựng thương hiệu cam Vinh được Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An triển khai và gia đình ông được chọn là gia đình thí điểm để phát tem nhãn chứng nhận cam Vinh. Việc chỉ dẫn địa lý cho cam Vinh cũng vừa được Công ty Nông nghiệp Xuân Thành, Sở Nông nghiệp và Sở Khoa học & Công nghệ Nghệ An chính thức công bố. Nhìn vườn cam mênh mông trĩu quả đã ngả sang màu vàng óng, ông Kỳ không giấu nổi niềm vui “Tôi tin rồi sẽ có ngày cam Vinh sẽ trở lại thời kỳ huy hoàng như trước. Chỉ cần mình có chí thì chắc chắn cam sẽ không phụ người”. Tin chắc rằng, ước mong của ông Kỳ sẽ sớm trở thành sự thật, bởi sự quyết tâm của ông nông dân quanh năm gắn bó với những gốc cam- hiểu cam như hiểu bàn tay mình, cũng như tình yêu vô bờ bến đối với loại quả thấm đậm nghĩa tình người dân xứ Nghệ này.

VnCharm

Nguồn:

http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/kinhtenongthon.com.vn

Bình luận của bạn