Nhân rộng mô hình sản xuất sầu riêng Khánh Sơn theo tiêu chuẩn VietGap

Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, sầu riêng Khánh Sơn chất lượng thơm ngon, thịt ráo, cơm vàng, hạt lép, tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30 – 40%/quả và độ béo cao, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Hiện 80% sầu riêng Khánh Sơn được tiêu dùng nội địa, 20% xuất khẩu. Trồng sầu riêng VietGap giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, cần nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện.

Sầu riêng Khánh Sơn được cấp giấy chứng nhận VietGap và được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị

Diện tích trồng sầu riêng của huyện Khánh Sơn đạt gần 1.500 ha, trong đó 520 ha cho thu hoạch, sản lượng vụ mùa năm 2020 đạt khoảng 4.000 tấn, tập trung tại 7 huyện và thị trấn. Trong đó, xã Bình Sơn là địa phương trồng sầu riêng nhiều nhất và cho thu hoạch sớm nhất.

Sầu riêng Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn các vùng sản xuất khác. Khi sầu riêng Nam Bộ kết thúc thu hoạch thì cũng là lúc sầu riêng Khánh Sơn xuất hiện trên thị trường. Mùa sầu riêng ở Khánh Sơn bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào trung tuần tháng 8 hàng năm. Sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây, Đông Nam Bộ khoảng từ 1 – 2 tháng và sớm hơn vùng Tây Nguyên khoảng 1 tháng, do đó sầu riêng Khánh Sơn không bị áp lực cạnh tranh với sầu riêng tại các vùng sản xuất khác.

Vụ mùa năm 2020, sầu riêng Khánh Sơn “được mùa được giá”

Sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ chất lượng thơm ngon, thịt ráo, cơm vàng, hạt lép, tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30 - 40%/quả và độ béo cao.

Vụ mùa năm 2020, sầu riêng Khánh Sơn được mùa, được giá. Giá sầu riêng Mong Thoong dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg; sầu riêng Chín Hóa từ 30.000 - 35.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn từ 5.000 -10.000 đồng/kg so với vụ mùa năm 2019. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, hộ dân thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/ha.

Để đầu ra của trái cây này có tính bền vững, trong những năm gần đây, huyện Khánh Sơn đã tìm kiếm, tổ chức và kết nối cho một số doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư. Theo đó, huyện Khánh Sơn ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược ở các khâu: thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm một cách bài bản.

Nhân rộng mô hình sản xuất sầu riêng Khánh Sơn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap

Sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap hướng tới xuất khẩu bền vững và gia tăng giá trị kinh tế là một trong những hướng đi đúng của huyện Khánh Sơn. Khi mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap thành công, huyện Khánh Sơn sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình VietGap đến từng hộ sản xuất sầu riêng trên địa bàn.

Toàn huyện Khánh Sơn có 225 ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGap. Huyện Khánh Sơn tập trung hỗ trợ người dân trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc cho vùng trồng với mục đích sầu riêng Khánh Sơn có thể xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác.

Hợp tác xã cây ăn quả Sơn Bình là một trong những đơn vị được huyện Khánh Sơn lựa chọn để triển khai mô hình sản xuất sầu riêng an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Hợp tác xã cây ăn quả Sơn Bình huyện Khánh Sơn với 8 thành viên, tổng diện tích 42,2 ha, cho thu hoạch trên 1.000 tấn quả tươi/năm. Mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng VietGap tại xã Sơn Bình đã mang lại hiệu quả, giúp HTX thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, xây dựng quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực theo hướng bền vững và có giá trị kinh tế cao.

Nhờ hiệu quả sản xuất mô hình sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa đề nghị các sở, ban ngành hỗ trợ đẩy mạnh công tác, quảng bá, gắn kết thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm sầu riêng được chứng nhận VietGAP, đồng thời hỗ trợ cho HTX Sơn Bình xây dựng nhà sơ chế, khu bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giá trị, đảm bảo sản phẩm được cung cấp ra thị trường thường xuyên.

Hiện trái sầu riêng VietGap của HTX cây ăn quả Sơn Bình được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Co.op Mart Nha Trang, siêu thị 3F, cơ sở trái cây Hùng Nguyệt ký kết biên bản ghi nhớ liên kết tiêu thụ sầu riêng an toàn chứng nhận VietGap.

Để đảm bảo nguồn cung, chất lượng và đầu ra ổn định, huyện cũng đã tiến hành nhiều hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao kỹ thuật canh tác cây sầu riêng cho nông dân, đồng thời tổ chức các hoạt động nhằm kết nối người sản xuất với các đơn vị tiêu thụ nông sản.

Huyện Khánh Sơn đã tổ chức Hội thi trái cây ngon, thu hút khoảng 200 hộ nông dân tham gia. Ban tổ chức Hội thi còn lồng ghép nội dung hội thảo về canh tác sầu riêng an toàn để nông dân áp dụng. Bên cạnh đó, huyện tổ chức các Phiên chợ nông sản để giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài tỉnh về trái sầu riêng. Qua các sự kiện trên, chất lượng sầu riêng Khánh Sơn được nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Để trái sầu riêng Khánh Sơn được tiêu thụ rộng rãi trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và hướng tới xuất khẩu bền vững, ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm thì hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân tìm kiếm, liên hệ với nhiều doanh nghiệp để kết nối, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ thông qua hệ thống sạp trái cây đặt tại các điểm du lịch lớn trên toàn tỉnh để phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Bình luận của bạn