Làng nghề hương trầm Quỳ Châu Nghệ An

Ngược quốc lộ 48, Quỳ Châu nằm cách thành phố Vinh 150km. Người dân nơi đây có truyền thống làm hương trầm. Làng nghề có từ lâu đời, cha truyền con nối. Cái quý là nhà này làm được, bày vẽ cho nhà kia, thành ra cả một vùng, ai cũng biết làm nghề và làm giỏi.

Ngược quốc lộ 48, Quỳ Châu nằm cách thành phố Vinh 150km. Người dân nơi đây có truyền thống làm hương trầm. Làng nghề có từ lâu đời, cha truyền con nối. Cái quý là nhà này làm được, bày vẽ cho nhà kia, thành ra cả một vùng, ai cũng biết làm nghề và làm giỏi.

Bước đầu là khâu làm que (du) hương. Mọi người vào rừng chặt lùng, chặt nứa và cưa chúng ra thành từng đoạn dài 45cm cho loại hương ngắn và 0,8-1m cho loại hương dài. Xong việc, người ta đem chúng ngâm vào nước từ 20-30 ngày, sau đó vớt lên, lau chùi sạch sẽ và phơi khô. Loại que này, khi đốt, cháy đượm. Phơi được nắng, que hương trắng, nhuộm phẩm sẽ đỏ tươi rực rỡ. Cũng có người, ngâm chúng vào nước vôi hoặc để nơi ẩm ướt, sau đó mới phơi khô.

alt

Loại hương này cháy tới đâu tàn rơi tới đó. Bây giờ rừng đã có chủ, người ta phải đi mua lùng mua nứa. Sau du hương, cái quan trọng bậc nhất cho hương thơm đó là nguyên liệu hương. Nguyên liệu hương, chủ yếu là rễ hương. Rễ càng già, hương càng thơm. Từ tháng 5 đến tháng 12 hằng năm, người dân vào rừng đào rễ hương. Rễ mọc chùm trên sườn đồi, ven bờ suối, rễ hương được rửa sạch, băm nhỏ và phơi khô. Cái nắng mùa hè cô mật rễ hương, đứng từ xa đã cảm thấy mùi thơm. Rễ hương, bã mía, pha chế với đinh hương, thảo quả, quế, hoa hồi hoặc trầm loại xấu, nghiền thành bột, ta sẽ được mùi thơm đặc biệt, đó chính là hương trầm Quỳ Châu.

Những ngày cuối năm, bắt đầu từ tháng chín, nhà nhà đã cắt giấy, nhuộm phẩm đỏ, phơi lại que và quấn hương. Mỗi người có thể quấn 1000 que/ngày. Thanh thiếu niên thường dẻo tay nên quấn nhanh và đẹp hơn người già. Làng nghề làm hương trầm Quỳ Châu ngày nay, đã trở thành một vùng rộng lớn. Từ thị trấn Tân Lạc đến làng Tân Hương, sang nông trang Hoa Hải, lên xã Châu Tiến, rồi xuống Châu Hội, Châu Bình. Có nhiều gia đình làm hương với số lượng lớn phải thuê nhân công làm suốt ngày đêm để kịp cho các đoàn xe ô tô đủ loại, chở hương đi phục vụ trong Nam, ngoài Bắc. Rất nhiều người làm hương lâu năm đã thành danh như: Gia đình ông Võ Văn Châu; ông Hoàng Nhật Minh; anh Đậu Văn Hà; ông Tiến; ông Kính; bà Nhung; chị Hương Thống; anh chị Đào Oanh; chị Lan Lịch...

Nguyên liệu làm hương trầm chủ yếu là mua, phần lớn lấy công làm lời. Song cái đáng quý, nghề làm hương nơi đây đã tạo ra công ăn việc làm cho mọi thành viên trong gia đình. Tranh thủ mọi thời gian nhàn rỗi, già, trẻ, lớn bé, ai cũng có thể làm được, bất kể ngày, đêm, trời mưa hay trời nắng, nhất là những ngày hè, học sinh được nghỉ học. Hương trầm Quỳ Châu đã nổi tiếng có thương hiệu từ ngàn xưa. Ai có dịp lên Quỳ Châu, ra về trong những ngày giáp Tết, niềm vui lớn nhất của họ là trong hành lý có búp hương trầm Quỳ Châu để đặt lên bàn thờ tổ tiên và làm quà biếu cho bạn bè, người thân.

Hương trầm Quỳ Châu có một điều lạ là, sau khi cháy xong, trên lư hương bao giờ cũng để lại một lõi than xoắn tít như những bông hồng huyền kỳ ảo mà dân gian ta thương gọi đó là “Lộc”. Chính thế mà thắp hương trầm Quỳ Châu ngày nay, ta đã có thêm một nét đẹp văn hóa truyền thống riêng, thật độc đáo. Có thể nói hương trầm nơi đây, đã góp phần tôn vinh, hương vị ngày Xuân, ngày Tết thêm ấm áp đậm đà.

Hương trầm Quỳ Châu, đã có thương hiệu, nhãn mác, địa chỉ, nên ngày càng bay xa hơn... ngọt ngào hơn trong tấm lòng người Việt.

VnCharm

Theo Tin tức Nghệ An

Bình luận của bạn