Nghề làm hương của người Tày, Nùng

Đã bao đời nay ở làng quê Lạng Sơn, hương thơm không thể thiếu trong mỗi gia đình của người Tày, Nùng... nhất là vào những dịp lễ, Tết, hay mỗi khi gia đình có sự kiện trọng đại. Vì thế, nghề làm hương cũng gắn bó với đồng bào và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để gìn giữ và phát triển.

Sản phẩm hương được bán tại chợ Kỳ Lừa (TP Lạng Sơn)

Bà Nông Thị Sen, ở Khum Khuông, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi chuẩn bị vào mùa làm hương lại nhắc nhở con cháu tìm kiếm những loại cây có hương thơm về làm. Bà kể: Hằng năm, khi bước vào mùa thu, là những người làm hương lại lên rừng tự mình hái những cây có mùi thơm đặc trưng như: mạy khảo chuông, mạy chuông vác, gỗ cây sau sau... chặt đem về ngâm, giã nát, kết hợp với một số lá cây phơi nghiền thành bột. Chính vì thế, hương thắp có mùi thơm dịu, nhẹ nhàng, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, vì không thêm bất cứ thứ hóa chất nào khác.

Công đoạn làm hương tuy đơn giản nhưng rất kỳ công. Cái khó nhất là giã nát các loại cây mất nhiều thời gian. Những gia đình ở cạnh bờ khe suối có thể tận dụng dòng nước để làm cối giã hương và giã gạo. Cách làm này giúp đỡ tốn công sức so với giã thủ công. Bột làm hương phải thật mịn. Khi đã làm xong bột thì lên rừng hái cây mạy giêng, về đun đặc cô thành nhựa, rồi nhúng que tre, chẻ nhỏ làm lõi hương, lăn qua bột hương, là trở thành những que hương xinh xắn, đem phơi khô là dùng được...

Bà Hoàng Thị Viền, trú tại thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, có hơn 20 năm kinh nghiệm làm hương cho biết: Những tháng gần Tết Âm lịch, nghề làm hương đem lại nguồn thu cao hơn, nhiều khi không có đủ hàng để bán, mỗi phiên chợ bán cũng được hơn một triệu đồng. Do hương làm thủ công lại không pha hóa chất, hương liệu chủ yếu là các loại cây lá trên rừng, cho nên hương có mùi thơm rất đặc biệt, hương làm ra đến đâu bán hết đến đó...

Mỗi một làng quê ở Lạng Sơn lại có cách làm hương khác nhau. Bà Đàm Thị Khao, ở Nà Phiêng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định thổ lộ: Nghề làm hương ở thôn đã có từ lâu đời. Hiện nay, trong thôn có 54 hộ thì nhà nào cũng làm hương. Để có hương thơm thuần chất, quan trọng nhất chính là công thức pha bột hương. Nếu pha trộn tỷ lệ bột không đều nén hương sẽ không dính, không có mùi thơm đặc trưng của lá cây, hương gỗ. Cây hương đẹp là sau khi lăn đi lăn lại tạo thành nét to đẹp, đều, tròn trịa... Vì vậy, hương được làm theo phương pháp thủ công truyền thống được nhiều khách hàng lựa chọn.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn Trần Văn Thủy nhấn mạnh: Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghề làm hương, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, trong đó có nghề làm hương. Tuy nhiên, để mở rộng và phát triển hơn nữa nghề truyền thống này, chính quyền các địa phương nơi có nghề làm hương cần định hướng, hướng dẫn bà con khâu tổ chức liên kết, cải tiến phương thức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Nếu làm tốt sẽ phát huy thế mạnh, tiềm năng của nghề thủ công truyền thống, vốn mang những nét đặc trưng riêng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng...

Bình luận của bạn