Tết về trên xứ hương trầm

Độ 23 tháng chạp, ngày cúng đưa ông Táo lên trời, trong nhà ngoài ngõ bắt đầu phảng phất mùi thơm thanh khiết của hương trầm. Mùi hương ấy trở thành một tín hiệu báo cho mọi người rằng tết đã cận kề. Đến 30 tết, khi nhà nhà nghi ngút khói hương trong lễ cúng đón rước tổ tiên thì mùi hương trầm càng dâng lên, lan rộng... Từ lúc đó trở đi hương trầm được thắp liên tục trong ba ngày tết.

Rời chiếc xe đò lấm bụi, tôi tìm lối vào làng nghề làm hương trầm giữa thị trấn Tân Lạc, phố huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An).

Ngước nhìn một bà cụ miệng nhai trầu, hai tay ôm một bó hương trầm loại dài một mét, tôi hỏi đường tới làng nghề làm hương trầm nổi tiếng nhất của Quỳ Châu. Bà cụ nói: "Dưới xuôi lên mua hương trầm về bán tết hả. Không phải hỏi đâu, cứ đi dăm chục bước nữa mùi hương trầm sẽ dẫn chú vào từng nhà làm hương".

Tôi cảm ơn cách dẫn đường dí dỏm của bà cụ rồi bước đi. Quả thật, mới đi được khoảng dăm phút, tôi đã lạc giữa man mác mùi hương trầm. Cái mùi hương đầm ấm, thú vị rất quen thuộc của ngày tết khiến tâm trí tôi không khỏi chộn rộn với ngày xuân ở đình chùa, miếu mạo khắp các làng quê.

alt

"Chú thấy chưa, nhà nhà, người người đang hối hả công việc để đưa những bó hương đi nhập các cửa hàng và chuẩn bị những kiện hương cho các đại lý từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa vận chuyển về" - bà Lê Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất của làng nghề Tân Hương, nói.

Một khung cảnh rộn rịp khiến tôi ngợp mắt khi từ ngõ vào sân, từ sân vào nhà là một dây chuyền sản xuất hương. Hóa ra không chỉ những phụ nữ lớn tuổi mà con cái họ là những học sinh tiểu học vừa nghỉ tết cũng nhanh chóng bắt nhịp dây chuyền sản xuất hương trầm phục vụ tết.

Khác với hương thường, người thợ dùng bàn gỗ nhỏ để xe khối nguyên liệu được nhồi dẻo quẹo thành những thanh hương nhỏ, thợ làm hương trầm rải thanh giấy bản dài 50cm hoặc 1m lên bàn, đặt chân hương vào giữa rồi rải bột hương lên mới cuốn. Do thạo nghề nên bàn tay cuốn hương của họ như những nghệ nhân lướt thoăn thoắt trên bàn hương.

Bà Hương nói: "Đây là thành phẩm cuối cùng. Cái căn bản nhất của hương trầm là nguyên liệu sao cho thơm như trầm hương, dễ cháy, khói mỏng nên thơm thoảng, cháy xong tàn hương uốn tròn thành những vòng than quanh bát hương mới đẹp. Đây là những yếu tố hiếm, làm nên thương hiệu hương trầm của những làng nghề ở Quỳ Châu".

Về nguồn...

Theo bà Hương, cách đây khoảng 40 năm người dân đi săn cây trầm hương trong rừng sâu, không quên mang cả rễ cây trầm hương về. Do rễ cây này có mùi hương đặc biệt nên dân bản mới nghĩ cách pha chế để làm hương trầm. Rễ cây được rửa sạch, rang khô cho dậy mùi rồi đưa vào cối giã thành bột. Bột rễ trầm hương là nguyên liệu chính được pha trộn một ít với nhiều loại nguyên liệu khác như các vị thuốc bắc cũng giã thành bột, gồm: quế chi, đại hồi, thảo quả. Những nguyên liệu này được trộn với bột bã mía hoặc mùn cưa mạt (loại mùn cưa nhỏ, mịn) cho dễ cháy.

Chân hương được chọn từ những thân nứa già, chẻ nhỏ, phơi khô khén. Về sau không có trầm hương, người ta tìm loại rễ hương khác cũng có mùi thơm để thay thế. Bà Hương cho biết: "Quỳ Châu có ba làng nghề làm hương trầm với 500 hộ gia đình, thu hút hơn 1.000 lao động. Có gia đình mỗi năm làm được 50 vạn cây hương, thu được 30 triệu đồng. Có nghề làm hương lại là hương trầm nên ngày tết cũng vui hơn nhờ có thu nhập tương đối khá".

Từ Quỳ Châu, nghề làm hương lan tỏa về thị trấn những huyện lỵ có người Bắc vào sinh sống. Tại thị trấn Đô Lương, hiệu hương Quảng Tiến nổi tiếng khắp vùng. Ông Quảng người Hải Phòng, bà Khai người Quảng Ninh vào thị trấn Đô Lương lập nghiệp từ những năm 1950. Chỉ bằng nghề làm hương thủ công, ông bà gây dựng một gia đình khá giả. Nay ông bà đã qua đời nhưng nghề làm hương trầm lại được truyền cho một người hành khất được ông bà cưu mang hồi 8 tuổi. Đó là chị Nguyễn Thị Đàm, quê xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Năm 1984, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô bé Đàm đến thị trấn xin ở nhờ một số gia đình giàu có nhưng chỉ ở được một thời gian do ai cũng ngại vì cô bé ốm yếu. Biết vậy, ông bà Quảng đưa về nuôi. Chính cô bé này tiếp xúc với nghề làm hương từ khi nhỏ, được ông Quảng chỉ dẫn công thức pha chế nguyên liệu làm hương nên bây giờ cô bé Đàm trở thành bà chủ làm hương có uy tín.

Chị cho biết do không có rễ cây trầm hương nên ông Quảng tìm người đặt mua cành cây tùng (gỗ màu đỏ), cây bách (gỗ màu vàng). Hai loại cây này có mùi thơm giống như rễ trầm hương. Ngoài các nguyên liệu trên, ông Quảng còn pha chế bột hoa ngâu, tạo thêm hương thơm quyến rũ cho hương trầm.

Độ 23 tháng chạp, ngày cúng đưa ông Táo lên trời, trong nhà ngoài ngõ bắt đầu phảng phất mùi thơm thanh khiết của hương trầm. Mùi hương ấy trở thành một tín hiệu báo cho mọi người rằng tết đã cận kề. Đến 30 tết, khi nhà nhà nghi ngút khói hương trong lễ cúng đón rước tổ tiên thì mùi hương trầm càng dâng lên, lan rộng... Từ lúc đó trở đi hương trầm được thắp liên tục trong ba ngày tết.

Mùi hương trầm dịu ngọt, thành kính khiến không khí ngày Tết dân tộc càng thêm thiêng liêng, ấm cúng. Mùi hương ấy còn thấm sâu vào hồn người để trở thành niềm thương, nỗi nhớ lúc đi xa.

VnCharm

Nguồn:

http://tuoitre.vn/tet-ve-tren-xu-huong-tram

Bình luận của bạn