Đại Đồng Tiến – Tiến Về Phía Trước

Đam mê sáng tạo đối với ngành nhựa, thừa hưởng những kinh nghiệm sản xuất từ gia đình cộng với nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản, Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc CTCP Nhựa Đại Đồng Tiến - đã tạo những bước đột phá để đưa sản phẩm nhựa thương hiệu Đại Đồng Tiến ra nhiều nước trên thế giới.

Đam mê sáng tạo đối với ngành nhựa, thừa hưởng những kinh nghiệm sản xuất từ gia đình cộng với nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản, Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc CTCP Nhựa Đại Đồng Tiến - đã tạo những bước đột phá để đưa sản phẩm nhựa thương hiệu Đại Đồng Tiến ra nhiều nước trên thế giới.

alt

Đột phá trong quản trị

Khi vừa tròn 26 tuổi, sau 7 năm du học ở nước ngoài, năm 2007 Trịnh Chí Cường về nước, bắt đầu làm quen công việc quản lý, kinh doanh của gia đình. Không lâu sau, Cường thay cha làm tổng giám đốc điều hành công ty.

Tuy trẻ tuổi, nhưng nhờ có nhiệt huyết và được đào tạo bài bản nên việc quản lý một doanh nghiệp đối với Trịnh Chí Cường không quá vất vả. Anh đã nhanh chóng khẳng định năng lực của mình khi lèo lái con thuyền Đại Đồng Tiến vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế.

Từ đó, Cường bắt đầu với những đột phá trong công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp. Nếu như cha anh thường quản lý, theo kiểu cầm tay chỉ việc hoặc tham gia những công việc vụn vặt, Trịnh Chí Cường lại mạnh dạn chọn người trẻ giao việc gắn với trách nhiệm của họ.

Chỉ trong 4 tháng, anh đã tiến hành một số thay đổi quan trọng trong hoạt động của Đại Đồng Tiến, như thay đổi phương pháp marketing truyền thống bằng cách trực tiếp tiếp cận khách hàng để nắm bắt nhu cầu thị trường, lập phòng nghiên cứu và phát triển, đưa những người trẻ lên làm quản lý.

Đây là những quyết định khó khăn đối với một tổng giám đốc trẻ như Cường, bởi những thay đổi tạo cho anh áp lực về sự thành bại rất lớn. Nhưng từ những kiến thức tích lũy được khi ở nước ngoài, Trịnh Chí Cường nhận thức rõ cần có đột phá công ty mới phát triển ở tầm vóc cao hơn. Anh cũng cho rằng chỉ có như vậy mới tạo nên sự phát triển căn cơ, bền vững.

Năm 2007, Đại Đồng Tiến cổ phần hóa. Cơ chế quản lý, điều hành mới đã tạo ra sự năng động trong sản xuất, giúp Đại Đồng Tiến tăng trưởng nhanh, trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng nhựa trên cả nước.

Sản phẩm của công ty được người tiêu dùng đánh giá cao với hơn 300 loại sản phẩm khác nhau, gồm 4 dòng chính: nhựa gia dụng (xô, chậu, bàn ghế, tủ giường, hộp đựng...), nhựa công nghiệp (palette, thùng sơn), nhựa cao cấp có tính năng đặc biệt (bao bì thực phẩm, hộp đựng bảo quản thức ăn) và gia công các loại chân tủ lạnh, máy giặt... cho các hãng sản xuất lớn của Nhật Bản.

Với đội ngũ CBCNV tay nghề cao và năng động, Đại Đồng Tiến không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm tốt để cung cấp ra thị trường. Phương châm sản xuất của Đại Đồng Tiến là đưa chất lượng lên hàng đầu, bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi sử dụng sản phẩm.

Chính vì vậy, công ty chỉ đầu tư những dây chuyền sản xuất gồm máy móc, thiết bị của các hãng hàng đầu thế giới. Hệ thống thiết bị luôn bảo đảm độ chính xác, sự đồng nhất về chất liệu và cho năng suất cao trong quá trình sản xuất.

Năm 2011, Cường thành công trong 2 quyết sách lớn làm thay đổi cục diện tài chính của công ty. Nếu mô hình kinh doanh cũ, Đại Đồng Tiến bán hàng cho các đại lý theo kiểu gối đầu, đại lý bán được hàng mới trả tiền về cho nhà sản xuất, thì năm qua Cường áp dụng kênh phân phối hàng theo mô hình mới.

Tổng giám đốc Đại Đồng Tiến đã đến các địa phương để tìm hiểu thị trường và đưa ra chiến lược tìm các nhà phân phối có nguồn tài chính và kho bãi tốt làm đại lý cho công ty.  Sau khi có đại lý đạt tiêu chuẩn đề ra, công ty bán hàng cho họ với mức chiết khấu cao, đổi lại, các đại lý phải trả hết tiền để lấy hàng và tự bán để thu hồi vốn.

Chỉ trong vòng 2 tháng, Đại Đồng Tiến đã thiết lập được 70 đại lý trên toàn quốc, mỗi đại lý có nguồn vốn lưu động khoảng 2-5 tỷ đồng.

- Đại Đồng Tiến có lợi gì khi chuyển sang mô hình kinh doanh mới? - tôi hỏi.

- Công ty không còn phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng để cung hàng cho các đại lý "gối đầu" như cách làm truyền thống. Hơn nữa, trong quá trình đi khảo sát thị trường tìm đại lý, nhân viên thu thập được dữ liệu thị trường chính xác hơn. Điều này giúp công ty rất nhiều trong việc quy hoạch sản xuất - Cường giải thích.

Những bước tiến lớn

Trước năm 1983, Đại Đồng Tiến là cơ sở của hộ gia đình, chuyên sản xuất bút bi. Từ ngày 1-1-1983, cơ sở chuyển thành tổ hợp Đại Đồng Tiến và chuyển sang sản xuất nhựa gia dụng. Ngay từ những ngày đầu, Đại Đồng Tiến đã đề ra định hướng lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động.

Công ty luôn nỗ lực để có những sản phẩm đạt chất lượng ổn định, giá trị sử dụng cao với mức giá hợp lý. Thông qua việc liên tục cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, năm 2000 Đại Đồng Tiến tổ chức quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và trở thành công ty nhựa đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn ISO 9002:1994 do Quacert & QMS chứng nhận.

Năm 2001, Đại Đồng Tiến  tổ chức lại hệ thống quản lý chất lượng hiện đại hơn và đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Từ nền tảng đó, công ty đã tạo ra những dòng sản phẩm có tính năng vượt trội, an toàn cho sức khỏe, được người tiêu dùng tín nhiệm, bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong suốt nhiều năm liền.

Hiện nay, Đại Đồng Tiến có mạng lưới hơn 700 đại lý khắp cả nước và có kênh phân phối ở hầu hết siêu thị lớn như BigC, Maximark, Co.opmart, Vinatex..., tạo công ăn việc làm cho 1.300 lao động.

"Đặt chữ "tâm" làm đầu nên Đại Đồng Tiến tập trung nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm không ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe người tiêu dùng. Theo tôi, chữ "tâm" thể hiện qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua 3 lĩnh vực: Cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao, không phụ lòng tin của người tiêu dùng.

Kinh doanh tốt, có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của CBCNV, giúp họ cơ hội học tập và thăng tiến. Thực hiện trách nhiệm với cộng đồng qua những công việc cụ thể như chúng tôi đã chung tay xây cầu, đường ở các vùng sâu và tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa... cho nhiều gia đình khó khăn" - Trịnh Chí Cường chia sẻ.

Hướng đến toàn cầu

Năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến không ít doanh nghiệp phải cắt giảm nhiều chi phí marketing, nhưng Đại Đồng Tiến lại chi nhiều nhất cho marketing để định vị lại thương hiệu hàng top của mình trong ngành nhựa.

Trịnh Chí Cường lý giải: "Nhà quản trị giỏi phải biết tiêu tiền và mang về nhiều tiền cho doanh nghiệp". Thực tế, từ mức tăng 7% năm 2008, năm 2009 doanh thu của công ty tăng lên 15% (625 tỷ đồng), 2010 vượt trên 880 tỷ đồng và đến năm 2011 đạt trên 900 tỷ đồng.

Cường dự báo, với việc cải tiến mô hình hoạt động và xây dựng lại hệ thống kinh doanh mới, tăng trưởng năm 2012 của công ty sẽ đạt trên 40%, doanh thu của Đại Đồng Tiến dự kiến vào khoảng 1.400 tỷ đồng trong năm dự báo còn nhiều khó khăn này.

Nhờ kiến thức và kinh nghiệm thừa hưởng của cha bổ khuyết cho nhau, nhiều người tin rằng Trịnh Chí Cường sẽ đưa thương hiệu nhựa Đại Đồng Tiến đi xa hơn. Hoài bão cháy bỏng của vị tổng giám đốc trẻ tuổi này là đưa thương hiệu Đại Đồng Tiến góp mặt ở thị trường nước ngoài thông qua những sản phẩm uy tín, chất lượng chứ không phải gia công như nhiều doanh nghiệp khác thường làm.

Lập phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đầu tư lớn vào nhà máy để làm 2 mảng lớn: sản phẩm nhựa đựng hàng thực phẩm và sản phẩm nhựa nội thất, cải tiến toàn bộ hệ thống phân phối bán hàng... là những bước đi của Cường nhằm hiện thực hóa khao khát của mình.

Hiện nay sản phẩm nhựa của Đại Đồng Tiến có trên 300 mặt hàng và nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu ra một số nước như Lào, Myanmar, Australia và khu vực châu Âu, Trung Đông..., bằng 10% trên tổng sản lượng hàng năm của công ty.

Trịnh Chí Cường cho biết anh đang mở rộng thị trường sang nhiều nước khác và kiên định mục tiêu nâng cao tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu.

Ngoài một nhà máy đang hoạt động ở Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TPHCM), năm 2011, Đại Đồng Tiến đã khởi công nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD (và dự kiến nâng lên 50 triệu USD trong những năm tới) theo tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới, xây dựng tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Dự kiến đến quý II năm nay nhà máy này sẽ đi vào hoạt động. Với nhà máy hiện đại này, Đại Đồng Tiến sẽ tăng cường các nhóm hàng tiềm năng lâu nay còn hạn chế sản lượng do chưa có nhà xưởng lớn như nhựa nội thất, hàng cao cấp xuất khẩu.

Trịnh Chí Cường cho biết tiềm năng ngành nhựa còn rất lớn, ngoài những sản phẩm gia dụng, Đại Đồng Tiến đang tập trung nghiên cứu sản xuất những sản phẩm chuyên dụng trong công nghiệp. "Chỉ có như vậy sản phẩm của chúng tôi mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới" - Cường tỏ rõ quyết tâm.

VnCharm

Nguồn tham khảo :

http://www.daidongtien.com.vn/su-kien/1138-dai-dong-tien-tien-ve-phia-truoc

 

Bình luận của bạn