Loại nước mắm 'có tên, không nhãn mác', vẫn chinh phục người tiêu dùng

Sản lượng làm ra không lớn, có hộ sản xuất vài ba ngàn lít nước mắm/năm, có hộ cả chục ngàn lít. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở các chợ địa phương, người mua thường làm quà biếu, hay mua về dùng. Gần đây có bán sỉ cho các đầu mối mua gom ở Đập Đá để bán lại cho các cơ sở chế biến đóng chai nước mắm lớn trong nước.

Đó là nước mắm Đề Gi, loại nước mắm truyền thống có thương hiệu nổi tiếng xưa nay, nhưng trên chai lọ không hề có nhãn mác, dấu hiệu gì để biết đó là nước mắm Đề Gi.

Lan tỏa một thương hiệu

Không ai biết loại nước mắm này có từ lúc nào, chỉ biết ngày xưa nước mắm Đề Gi thường chở bằng ghe bầu đi bán khắp nơi trong ngoài tỉnh. Vì ngon nổi tiếng nên một số vị vua nhà Nguyễn ưa dùng, và nước mắm Đề Gi đã theo ghe bầu ra kinh thành Huế trở thành nước mắm tiến vua.

Từ bấy đến nay người làm nước mắm Đề Gi cứ theo cách cha truyền con nối, âm thầm bảo tồn sản phẩm của mình bằng chất lượng. Nguồn nguyên liệu cá cơm, cá nục, cá sơn, cá ngân… có sẵn trong tự nhiên ở biển, ở đầm Đề Gi (đầm Đạm Thủy). Nguồn muối dùng để muối cá cũng từ muối Đề Gi trắng tinh, mặn dịu để làm ra loại nước mắm Đề Gi đặc trưng.

Cũng là "3 cá, 1 muối" nhưng nước mắm ở đây mặn hơn nước mắm các nơi khác. Người làm nước mắm xác nhận điều này. Nhưng ăn lâu mới thấy nước mắm Đề Gi có vị dịu, ngọt, thơm. Đó là mùi vị rất riêng chỉ nước mắm xứ này mới có. Người ta nói con cá, nước biển làm nên muối ở vùng biển Đề Gi đã tạo nên vị ngon của nước mắm.

Dĩ nhiên mỗi nơi làm nước mắm đều có hương vị riêng và người dùng quen với loại nước mắm nào thì ưa dùng loại đó. Phải chăng người Đề Gi, một số người huyện Phù Cát hay tỉnh Bình Định cũng vậy, nên đề cao sản phẩm quê hương mình?

Kiểu sản xuất tự cung tự cấp

Không biết thế nào, nhưng 300 hộ làm nước mắm xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ yếu ở 2 thôn An Quang Đông, An Quang Tây, đến nay vẫn tồn tại.

Ở đây đất chật người đông, nhà ở ken dày, nhiều lối đi ngang dọc, chằng chịt, chật hẹp, có con đường trong xóm chỉ vừa chiếc xe máy. Mỗi gia đình có diện tích ở không nhiều, người ta tận dụng mọi chỗ mọi nơi trong nhà để đặt thùng chượp muối cá.

Những chiếc thùng bằng gỗ mít có từ thời xa xưa vẫn dùng muối mắm, xen lẫn với thùng phuy nhựa ngày nay. Hỏi có khác nhau về chất lượng nước mắm khi thay đổi từ thùng gỗ sang thùng nhựa hay không, người muối cá cho rằng không hề gì.

Sản lượng làm ra không lớn, có hộ sản xuất vài ba ngàn lít nước mắm/năm, có hộ cả chục ngàn lít. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở các chợ địa phương, người mua thường làm quà biếu, hay mua về dùng. Gần đây có bán sỉ cho các đầu mối mua gom ở Đập Đá để bán lại cho các cơ sở chế biến đóng chai nước mắm lớn trong nước.

Bà Nguyễn Thị Anh 59 tuổi, thôn An Quang Tây cho biết, mỗi năm bà sản xuất 1.500- 2.000 lít nước mắm. Khác trước đây là để cá ươn, nay dùng cá thật tươi để chượp, nên nước mắm rất ngon. Sản phẩm cũng đóng chai 1 lít, 2 lít, … nhưng chưa có nhãn hiệu, ai biết thì mua, không thì thôi.

Nếu làm ít, có nhiều mối quen thì không đủ bán, ngược lại làm nhiều thì bán không hết. Cả thôn làm nước mắm đều như vậy, không ai dán nhãn ngoài bao bì đựng sản phẩm. Ai quen ở đâu thì bán ở đó, hầu như không cạnh tranh với nhau.

Có lẽ đúng như vậy, vì nhìn chai nước mắm của ai cũng như nhau, không phân biệt được là của hộ ông A, bà B. Khi bán ra thị trường có vấn đề gì về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng không thể quy được trách nhiệm cho chủ cơ sở sản xuất. Có người nói nước mắm Đề Gi “đặc sệt” truyền thống là vậy, trước kia sao nay vậy, không hề thay đổi.

Ông Nguyễn Ngô Thảo, thôn An Quang Tây, mỗi năm chượp 50- 60 tấn cá. Ông cho biết, sản phẩm bán tận Sài Gòn, Tây Nguyên, bán sỉ cho Đập Đá nhưng chưa có tên nhãn gì.

Hỏi vì sao không dán nhãn để quảng bá nước mắm mình làm ra, để bán được nhiều, bà Nguyễn Thị Anh cho rằng do thói quen, lâu nay vẫn làm theo cách làm truyền thống, vốn ít, làm ra rồi bán nhanh, sợ đánh thuế…

Bà Nguyễn Thị Thiêm, thôn An Quang Đông cho biết, trung bình mỗi năm chượp 4- 5 tấn cá, sản phẩm chủ yếu bán cho người quen. Bà nói rằng trước kia gia đình bà làm nước mắm quy mô khá lớn, nhưng dần dần thiếu người làm đành rút gọn lại.

Bên cạnh đó nước mắm bán trên thị trường có mẫu mã chai lọ đẹp, bắt mắt, giá lại rẻ, nên không cạnh tranh nổi. Nước mắm mình chỉ người quen mới dùng, họ cho rằng nước mắm bán đại trà trên thị trường có chất bảo quản, có hại sức khỏe nên dùng nước mắm truyền thống. Dù ở đâu xa người ta vẫn gửi mua.

Nước mắm Đề Gi được chượp trong thùng gỗ truyền thống cổ xưa, để cho ra loại nước mắm rất đặc trưng không chất phụ gia, bảo quản

Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết, tuy nói 300 hộ trong xã làm nước mắm nhưng chủ yếu tự sản xuất để dùng trong gia đình, có ít hộ làm nước mắm chuyên nghiệp để kinh doanh.

Có loại nước mắm nhỉ đến 70 ngàn đồng/lít, gấp 3 lần nước mắm trên thị trường, hay cũng có loại 40 ngàn, 30 ngàn đồng/lít người ta vẫn mua.

Phát triển gắn với thị trường

Năm 2015 với nguồn kinh phí khoa học và công nghệ hàng năm, UBND huyện Phù Cát trích ra một phần xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Đề Gi” và đang chờ bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN).

Khi có nhãn hiệu chứng nhận là địa phương sở hữu được tên thương hiệu nổi tiếng Đề Gi, không ai khác được đăng ký sở hữu nữa. Đây là cơ sở để thông tin, quảng bá cho người tiêu dùng biết về chất lượng loại nước mắm này.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, các hộ sản xuất nước mắm tuân thủ quy trình sản xuất đã thống nhất, quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu, thì trên bao bì chai lọ đựng nước mắm đều có gắn logo, nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Đề Gi”.

 Ngoài nhãn hiệu chung, từng cơ sở sản xuất được gắn tên, nhãn hiệu của cơ sở mình, để người tiêu dùng nhận biết và cũng mang tính cạnh tranh giữa các nhãn hiệu với nhau. Lúc này nước mắm Đề Gi sẽ đủ điều kiện bán trên thị trường (có tên, nhãn, thành phần, địa chỉ, hạn dùng…).

Vào cuối tháng 3/2016, Đề Gi được tỉnh công nhận làng nghề nước mắm. Đây là cơ sở để làng nghề tiếp nhận đầu tư. Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết, địa phương sẽ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nước mắm. Đây cũng là nơi phục vụ khách du lịch đến tham quan mua sắm, đồng thời quảng bá sản phẩm làng nghề.

Chính quyền địa phương sẽ quy hoạch lại làng nghề, tạo điều kiện cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh, để nước mắm truyền thống Đề Gi ngày càng phát triển.

Bình luận của bạn