13 đặc sản tuyệt ngon không thể bỏ qua khi đặt chân tới Hải Phòng
Đến Hải Phòng mà không tranh thủ thưởng thức tô bánh đa cua, chiếc bánh mỳ cay hay xì xụp tô ốc nóng thì chuyến đi của bạn coi như không trọn vẹn.
Bánh đa cua được xếp vào hàng đặc sản trong những đặc sản của Hải Phòng. Bánh đa đỏ được trần qua nước sôi rồi đổ vào tô cùng rau muống chín tái, rau rút, chả cá, chả lá lốt, hành lá thái nhỏ, thêm gạch cua chưng, cà chua và rắc ít hành khô thái mỏng trên cùng thực sự có thể gây nghiện cho bất cứ ai từ lần đầu thưởng thức. Thế nên mới có chuyện người vì trót tương tư bánh đa cua Hải Phòng mà lâu lâu lại phải rủ bạn bè "khăn gói" về thành phố hoa phượng đỏ ăn cho đỡ thèm. Bạn có thể tìm ăn bánh đa cua ngon ở các quán ở trên đường Trần Phú, Minh Khai, Phạm Ngũ Lão, Cầu Đất...
Việc các tiệm bánh mỳ Hải Phòng đua nhau mọc lên ở nhiều thành phố lớn chính là minh chứng hùng hồn nhất cho sức hấp dẫn của món bánh mỳ cay Hải Phòng. Những chiếc bánh mì nhỏ bằng hai ngón tay nướng giòn, bên trong là một lớp patê dày vừa béo, vừa ngậy thực sự vô cùng hấp dẫn. Nhất là khi ăn bạn cho thêm ít chí chương (tương ớt ở Hải Phòng) cay xè lưỡi vào bánh. Bánh mỳ cay dù khảnh ăn đến đâu cũng chẳng ai ăn một chiếc mà phải dăm cái mới tạm đủ lót dạ. Bạn có thể tìm ăn bánh mỳ cay ở một số quán như trên phố Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hàng Kênh... Giá khoảng từ 2.000 đồng.
"Đá cặp" với bánh mỳ cay không gì hoàn hảo hơn một cốc chè giun. Chè giun thực chất còn có tên gọi khác là chè Thái hay chè bánh lọt theo cách gọi của người miền Nam. Chè giun của người Hải Phòng rất chân phương, chỉ là những sợi bánh lọt lá dứa xanh mát ăn kèm cốt dừa, thêm chút đá cho mát. Đơn giản thế nhưng chè giun rất ngon miệng và thực sự là món giải khát rất lý tưởng để trung hòa cái béo đến từ pate của bánh mỳ cay.
Nem cua bể luôn nằm trong top những món ngon xuất sắc của Hải Phòng. Khác với nem thông thường, nem của bể hình vuông với phần nhân cầu kỳ bao gồm mộc nhĩ, nấm hương, thịt nạc vai, hành lá, miến, lòng đỏ trứng gà, giá đỗ… và cua gạch. Khi ăn, nem của bể được cắt làm bốn, ăn cùng với rau sống, bún và nước chấm chua ngọt.
Cháo cay ở Hải Phòng có những nét đặc trưng rất riêng. Để nấu món cháo này, gạo phải được đem xay nhuyễn thành bột rồi khuấy giống như hồ loãng. Cháo cay được nấu với nước xương hầm, ăn kèm với thịt trai xào và đương nhiên không thể thiếu bột ớt. Những bát cháo nóng hổi, cay chảy nước mắt nhưng là lựa chọn thú vị cho buổi chiều lang thang xứ Cảng. Muốn ăn cháo cay ngon có thể ghé đến đường Phan Bội Châu, Hàng Kênh.
Cháo khoái không chỉ đặc biệt về tên gọi mà còn khiến cho người ta ấn tượng về màu sắc. Màu xanh của cháo được làm từ lá rau ngót, cũng có nơi làm từ lá dứa hoặc lá rau cải. Trên mỗi bát cháo khoái, người ta cho thêm đậu xanh xay nhuyễn và hành khô phi thơm. Món ăn này sánh như cháo sườn, có vị ngọt của nước xương ninh hòa quyện vị thơm của hành, vị béo của đỗ xanh...
Với tín đồ của ốc thì Hải Phòng đúng là thiên đường. Sẽ chẳng hề ngoa khi nói rằng, ở Hải Phòng, các loại ốc và món ốc thuộc hàng đa dạng nhất miền Bắc khi có cả ốc nước ngọt, ốc biển, trong đó có nhiều loài nghe khá lạ tại như ốc xe điếu, ốc vặn, ốc đỏ môi. Ốc ở đây ngoài ốc luộc, ốc nướng, ở đây còn có ốc xào dừa, ốc luộc mắm siêu hấp dẫn. Bạn có thể thưởng thức ở các quán trên đường Lê Lợi, Lê Lai, Cát Dài, Lương Văn Can, Văn Cao hay Hàng Kênh.
Đây là món ăn đường phố vô cùng quen thuộc của người dân Hải Phòng. Một bát bánh đúc Tàu bao gồm phần bánh đúc cắt nhỏ, ăn cùng tôm, thịt, đu đủ rán kỹ, và nước mắm giấm được chan vào trong bát. Chính phần nước mắm chan vừa chua chua ngọt ngọt, lại có vị mặn và cay của dấm ớt đã khiến món ăn này trở nên thanh tao nhẹ nhàng, ấn tượng rất khó quên. Muốn ăn bánh đúc tàu ngon, bạn có thể thể quán bánh đúc tàu ở gần ngã tư Cát Dài - Cát Cụt, hay quán bánh đúc ở chợ An Dương.
Người sành ăn bảo nồi lẩu cua đồng Hải Phòng sở dĩ đặc biệt bởi ngoài dùng cua đồng để chế biến, người Hải Phòng còn thêm cua bể vào nồi nước nên nước lẩu ngọt đậm đà, mảng riêu cua rất to dày. Đến Hải Phòng, bạn có thể ăn món ngon này ở quán Minh Quỳnh ở phố Văn Cao hay quán ở đường Chu Văn An sau sân vận động Lạch Tray.
Bánh bèo Hải Phòng khác biệt cả về hình thức lẫn nội dung so với bánh bèo thường thấy. Bánh được đặt trong từng khuôn lá chuối khum khum như chiếc thuyền con. Phần bột được khéo léo rót vào trước rồi mới đặt nhân lên trên để sau khi hấp, phần nhân nổi lên đẹp mắt. Kích thước chiếc bánh của người Hải Phòng cũng vượt trội so với chiếc bánh bèo chén con con. Khi ăn, mỗi chiếc bánh bèo được cắt làm 6 hoặc 8 miếng. Một người lớn chỉ ăn cỡ 2-3 chiếc bánh bèo đất Cảng là đã no căng bụng.
Bánh cuốn ruốc Hải Phòng ngon phải được tráng mỏng, rắc ruốc và hành khô lên, khi ăn sẽ ăn kèm với nước chấm mắm ninh xương, có thể thêm dấm ớt. Nếu bạn không thích ăn kiểu bánh chay, có thể thêm nhân thịt cho hương vị thêm đậm đà, ăn kèm chả hoặc chả viên làm từ thịt nạc.
Giá bể hay giá biển là loài nhuyễn thể, thịt ngọt, sống vùi dưới lớp cát trên bãi biển, điểm nổi bật của con giá bể chính là cái chân nhìn như cọng giá đỗ ngộ nghĩnh. Giá bể được bán ở khắp Hải Phòng, hàng giá bể lúc nào cũng đông, mà giá bể xào là được ưa chuộng nhất. Ăn món này thấy cái vị béo ngậy, chua chua, ngọt ngọt, thơm nồng của nước xốt, vị ngot của hải sản khiến người ta thật khó dừng miệng.
Sủi dìn giống như tên gọi của nó là một món ăn vốn có xuất xứ từ cộng đồng người Hoa sống tại Hải Phòng trước đây. Món này tương tự như bánh trôi tàu của Hà Nội với vị gừng cay ấm, nhưng viên bánh nhỏ hơn. Đến bây giờ, đây vẫn là một món ăn khá phổ biến tại Hải Phòng về mùa lạnh. Muốn ăn sủi dìn, bạn có thể đến cổng chợ Ga, trước cửa đền Nghè, vỉa hè đường Lương Khánh Thiện, Cát Dài, Trần Phú…