5 đặc sản ăn liền nổi danh của người Quảng Ngãi
Bằng đôi bàn tay tài hoa và sự tinh tế, người Quảng Ngãi đã chế biến nên những sản phẩm có hương vị vô cùng độc đáo và riêng biệt. Theo đó nó trở thành món quà không thể thiếu mà người dân Quảng Ngãi dành để tặng bạn bè, người thân.
1. Cá bống sông Trà
Như thể bù lại cho sự thiếu đa dạng về chủng loại tôm, cá, thiên nhiên đã ban tặng cho dòng sông Trà Khúc loại cá bống cát chỉ nhỉnh hơn đầu que hương một chút, để chế biến thành món ăn ngon nổi tiếng.
Theo đó vào mùa nước cạn, người dân ở dọc bờ hạ lưu con sông này dùng ống tre được cưa thành từng đoạn dài khoảng 0,5 m, có chừa đốt ở giữa đoạn, để trống hai đầu ống rồi mang ra cắm từng hàng để bắt. Sau khi mang về rửa sơ qua cho sạch, cá bống được cho vào niêu đất, nêm gia vị ớt, hành, tiêu và kho cho săn lại. Và đây cũng là 1 trong 4 đặc sản đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam.
2. Mạch nha
Mạch nha còn được gọi là kẹo mạch nha, đường mạch nha. Đây là sản phẩm được làm từ ngũ cốc (lúa mạch, đại mạch, lúa mì, lúa, nếp...) bằng phương pháp lên men tinh bột. Mạch nha có màu vàng hổ phách, dẻo mà không dai, vị ngọt thanh, thoang thoảng mùi hương nếp.
3. Kẹo gương
Theo lí giải của nhiều người Quảng Ngãi thì do miếng kẹo trong suốt như pha lê và giòn tan, dễ vỡ như gương nên được đặt tên là kẹo gương. Đặc sản này được làm từ đường cát, mạch nha và đậu phộng có hương vị thơm nhẹ và ngọt thanh của đường lẫn với vị béo của đậu phộng. Kẹo gương thường được dùng khi uống trà khi trò chuyện với bạn bè, người thân lúc rảnh rỗi.
4. Đường phèn
Đường phèn được chế biến bằng cách đun nấu từ đường cát, trứng gà... sau đó thả những sợi chỉ được giữ thẳng vào. Một thời gian đường sẽ kết tinh thành những tinh thể đường màu trắng hơi đục, gồ ghề. Khi đó kéo những sợi chỉ có đường kết tinh ra khỏi hỗn hợp đường và để khô. Đường phèn giúp cho món ăn có vị thanh và thơm ngon hơn. Đặc biệt nếu sử dụng để nấu chè thì sẽ tạo cho chè có hương vị thơm ngon và ngọt mát hơn.
5. Đường phổi
Sản phẩm này được nấu từ mật mía và pha trộn thêm dầu phụng (lạc) để tạo bóng, ít nước vôi tinh lọc để lắng bớt cặn đường và cho ít trứng gà để tạo hương vị thơm ngon. Khi đường nguội có màu trắng đục, người thợ cắt ra từng miếng hình lá phổi, hoặc hình vuông nhỏ...và cho vào bao nilong bịt kín để bảo quản.