Ăn hủ tiếu khô ở Sa Đéc
Hễ có dịp đến Sa Đéc (Đồng Tháp) là tôi đều tranh thủ ăn cho bằng được món hủ tiếu khô trứ danh. Nhớ lại trước đây khi lần đầu đặt chân đến Sa Đéc, tôi được anh bạn “thổ địa” chiêu đãi một món ngon đặc biệt là hủ tiếu khô. Dẫn tôi vào một quán bình dân trên đường nhỏ, anh vỗ vai tôi không giấu niềm tự hào: “Bảo đảm ăn một lần là nhớ mãi vì nó chỉ có ở xứ này thôi”.
Nước dùng sền sệt, beo béo, đậm đà quyện lấy từng sợi hủ tiếu vừa mềm vừa dai.
Hễ có dịp đến Sa Đéc (Đồng Tháp) là tôi đều tranh thủ ăn cho bằng được món hủ tiếu khô trứ danh. Nhớ lại trước đây khi lần đầu đặt chân đến Sa Đéc, tôi được anh bạn “thổ địa” chiêu đãi một món ngon đặc biệt là hủ tiếu khô. Dẫn tôi vào một quán bình dân trên đường nhỏ, anh vỗ vai tôi không giấu niềm tự hào: “Bảo đảm ăn một lần là nhớ mãi vì nó chỉ có ở xứ này thôi”.
Bất ngờ đầu tiên là hủ tiếu được trình bày trong đĩa thay cho tô. Cọng bánh cũng to hơn bình thường và trắng ngà. Người ta để lên đó những tim, gan và thịt heo xắt thành từng lát to che gần kín đĩa.
Món ăn trông hấp dẫn hơn nhờ một loại nước xốt màu vàng đậm được rưới lên trên, thoang thoảng mùi thơm. Đĩa hủ tiếu còn được tô điểm bằng vài cọng hẹ, cải xà lách xắt nhuyễn và một ít hành phi.
Trong lúc tôi còn đang ngắm nghía cái món “lạ mà quen” này thì anh bạn giục ăn nhanh cho nóng và phải trộn đều cho nước xốt thấm vào từng sợi hủ tiếu mới ngon. Quả vậy, thứ nước dùng sền sệt, beo béo và đậm đà quyện lấy từng sợi hủ tiếu vừa mềm vừa dai tạo một cảm giác thú vị đặc biệt.
Được biết, công thức pha chế loại nước xốt lạ này là "bí kíp" riêng của quán hủ tiếu ở đây. Còn bánh là loại hủ tiếu tươi được làm bằng bột gạo.
Hủ tiếu Sa Đéc trước nay được xếp vào hàng món ngon Nam Bộ, sánh ngang với hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho. Nhưng ẩm thực Sa Đéc có phần còn phong phú hơn khi ngoài món hủ tiếu nước/khô thì họ còn có thêm món hủ tiếu hấp cũng thú vị không kém.
Duy chỉ có điều xin mách nhỏ những ai không hảo ngọt và muốn thưởng thức món ăn ngon lành này thì nên dặn trước chủ quán “đừng cho đường sống vào”, vì vốn dĩ người dân Sa Đéc rất thích ăn ngọt. Chỉ cần điều nhỏ này thôi, bảo đảm món ăn sẽ không còn gì để chê.