Bánh cuốn làng Kênh Nam Định chỉ nghe tên là lên cơn thèm
Đó là thứ bánh trắng như lụa, mỏng như mây, khiến Trần triều khen nức nở, thứ bánh mà khiến những kẻ tha hương vật vã như lên cơn "đói cơm đen, thèm bàn đèn" khi chẳng may nghe thấy hay tình cờ nhìn thấy một bức ảnh. Có thể nhờ yếu tố "tiến vua", được vua ban khen mà bánh cuốn làng Kênh trở nên nổi tiếng. Nhưng không thể phủ nhận bánh cuốn làng Kênh rất ngon, ngon đến mức có người phải dùng câu nói dân gian của người Nam Định "Ngon đ** chịu được" để ngợi ca.
Bánh cuốn ở Việt Nam thì hầu như tỉnh nào cũng có bởi nguyên liệu để làm ra bánh cuốn rất sẵn và dễ kiếm, đó là gạo tẻ. Từ bánh cuốn hấp Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang đến bánh cuốn đồng bằng Bắc bộ có nhân thịt băm, ăn với thịt lợn nướng kiểu bánh cuốn Hà Nam hay tôm của bánh cuốn Thanh Hoá. Từ Nghệ An đổ vào miền trong, bánh cuốn được mang cái tên khác rồi bánh mướt, bánh ướt…
Tuy nhiên, bánh cuốn mang đúng phong vị bánh cuốn thì chỉ có ở Thanh Trì (Hà Nội) và Kênh (Nam Định). Bánh cuốn này không có nhân nhị gì cả, chỉ là lớp bánh được tráng, cuốn lại và ăn với thứ nước chấm "hâm hâm sốt" và khẩu chả quế.
Bánh cuốn Kênh mỏng tang như lụa bạch nhưng vẫn dai, màu trắng ngà mà thanh khiết chứ không nặng đục, vị bánh thơm tho của thứ gạo Mộc Tuyền xưa. Bánh cuốn Kênh rất mướt, cứ như làn da gái dậy thì, chỉ cần sờ vào là biết đây có phải bánh cuốn Kênh hay không. Thứ bánh đó, khi bỏ vào miệng, cứ tuồn tuột như trượt nước, miếng bánh cứ thế mà trôi từ khoang miệng xuống cuống họng và hút xuống dạ dày, để lại một thứ mùi thơm thật dễ chịu của hương lúa trổ đòng, của hương chanh cốm ngắt vội trong vườn nhà đẫm hơi mưa.
Nước chấm bánh cuốn là thứ quyết định sự thành bại của bánh cuốn Kênh. Bánh cuốn Kênh không thể ăn mà không chấm, hoặc chấm với bất cứ loại đồ chấm nào khác. Phải là thứ nước mắm ngon nguyên chất có độ đạm cao, được pha với nước lọc, giấm trắng, đường theo tỷ lệ nhất định. Thứ nước chấm đó chỉ thêm tí chanh, ớt, tinh dầu cà cuống thì có thể uống hàng bát ngon như thứ nước thần tiên vậy. Nhờ thứ nước chấm đó mà miếng bánh cuốn làng Kênh bỗng phô bày mọi vẻ đẹp của mình, trở nên ngon nhã khôn cùng, thứ tinh tuý mà bánh cuốn nóng không bao giờ có thể so sánh.
Bánh cuốn làng Kênh giờ không còn ở làng Kênh mà đã lan khắp thành Nam. Có một điều luật bất thành văn là bí quyết làm bánh cuốn làng Kênh chỉ được mẹ truyền cho con gái hoặc mẹ chồng dạy cho con dâu. Thế nên, chính nhờ điều này mà bánh cuốn Kênh chạy khắp thành phố theo bước chân của các cô gái làng Kênh.
Con người ta, những người đã gắn liền tuổi thơ "múc bơ gạo đem đổi bánh cuốn" để ăn sáng sẽ rất nhớ bánh cuốn làng Kênh mỗi khi nhìn thấy thứ bánh đó ở thành phố lạ. Người ta thèm được về cái thành phố ngủ quên, đầy mặc trầm để chui vào những con phố nhỏ như Hàng Song, Văn Miếu, Thành Chung… để ăn thứ bánh cuốn ngon nhất thiên hạ này.
Nhất là những chiều tháng Bảy sụt sùi, nỗi nhớ Nam Định, nhớ bánh cuốn làng Kênh, nhớ bánh xíu páo, nhớ ốc mút, nhớ nắm nem thính... càng cồn cào.