Bò tơ ngậm lá giang

Dọc chiều dài đất nước, tùy vào nguyên liệu sẵn có mà người đầu bếp khéo tay phối ngẫu thành nhiều món ngon rạo rực với lá giang.

Dọc chiều dài đất nước, tùy vào nguyên liệu sẵn có mà người đầu bếp khéo tay phối ngẫu thành nhiều món ngon rạo rực với lá giang.

Dần dà, người ăn sinh ghiền lúc nào không hay. Đến độ, cứ nhắc tên chiếc lá bình dị này là nhiều người rạng ngời nét mặt, long lanh ánh mắt và suối nước bọt tự dưng... tuôn chảy.

Lá của sức khỏe

Loại lá bình dị này còn có tính kháng khuẩn nhờ chứa chất saponin. Cho nên, món canh gà lá giang của ông bà mình là một sự kết hợp khôn ngoan về gia vị lẫn bài thuốc. Bởi chất dịch trong ống tiêu hóa gà thường chứa vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Vi khuẩn này sẽ... chết đuối khi gặp chất saponin trong lá giang! (Nguồn kiểm chứng: “Lá Giang hay Lá Vang” trang 154 - 157, Món Ăn Bài Thuốc tập 4, dược sĩ Bùi Kim Tùng).


Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên giỏi y thực, ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), còn chế biến nước giải khát từ lá giang như sau: giã nát lá rồi vắt lấy nước, nấu sôi pha vào ít nước mía sên và mật ong, để nguội, trữ lạnh, pha thành nước mát.

Lá dâng miền khoái

Trở lại chuyện bếp núc với chiếc lá chở cả... khúc sông. Nói lá giang là gia vị cho món nhà nghèo cũng được hay món sang trọng cũng không sai. Với vị chua thanh dịu nhờ có chút chất chát hãm lại độ chua sẵn, lá này hợp với nhiều nguyên liệu thịt cá, cho nhiều món ngon khô lẫn nước.

Dân sành lá giang còn cho biết vị lá mùa nắng sẽ chát hơn mùa mưa, chọn lá vừa già hương vị sẽ ổn định hơn.

Anh bạn gốc Nha Trang vẫn thường đãi nhóm bạn thân món canh cá nục lá giang, ngay tháng bảy, sau tiệc rượu chếnh choáng hơi men, ở Sài Gòn. Húp mấy muỗng canh thanh dịu, nóng hôi hổi, nghe tỉnh cả người. Rồi họ hân hoan với ký ức làng biển, thời cá nục tươi xanh mà rẻ như bèo, cũng vào mùa rộ tháng bảy...

Chị bạn ở Bình Định luôn miệng khoe món gié bò (phèo hơi già) xào lá giang của mẹ chị, ngon số một!

Cũng món khô, một chị bạn khác ở Tây Ninh đề cử món thịt bò tơ xào lá giang quê mình. Ăn chơi, ăn no với bún tươi, chan chút nước tương giầm ớt hiểm đều mê say! Chọn phần thịt có da, thui sơ mới xào. Lá giang được nêm hai lần. Lần đầu để định vị, lần sau để tỏa hương. Nhẩn nha nhai, sẽ nghe thổn thức cả trời quê hương!

Anh Nguyễn Văn Bình đã thành đạt, ở Q.9, TP.HCM hừng lên vẻ mặt tươi rói khi kể về món độc thời sinh viên nghèo khó. Đó là món lẩu ka - ra -ô - kê, ngon bổ rẻ. Nguyên liệu đơn giản gồm đầu cổ gà hoặc vịt với vài bó lá giang. “ “Mi-crô là đầu cổ gà hoặc vịt, ca vài câu thì... cắn một cái. Vui ơi là vui!”, anh Bình cười thật giòn.

Nước lũ mon men về miền tây, hứa hẹn mang nhiều tôm cá, nhất là đám cá linh. Chị Phạm Thị Thanh, giáo viên cấp 2, ở An Giang, đang háo hức đợi món lẩu cá linh non hò hẹn cùng lá giang với lung linh hoa trái ăn kèm: bông điên điển vàng ươm, so đũa trắng tinh khôi, đậu rồng tươi mát màu da trời... Nổi lẩu bập bùng sôi, mặc trời mưa giăng giăng. Ấm áp làm sao!

Bình luận của bạn