Người ta thường bảo, ăn bánh cuốn có nước mắm chắt, có giấm ớt chua cay mà không có mùi cà cuống thì cũng thành vô vị. Đành rằng, hiện nay đã có tinh dầu cà cuống hoá học nhưng hương vị của nó không thể ngon bằng cái thứ cà cuống nguyên chất làng Chèm được.
Hè về không có gió bấc, không có mưa phùn, đó là khi mùa cà cuống bắt đầu…
Mùa hè, sau mỗi trận mưa rào, nước ao nổi dềnh lên bám lấy cây cỏ xanh mướt, cỏ lác mọc cao vượt hẳn lên so với những chùm hoa dại đan xen lẫn lộn với những cụm trứng cà cuống xanh bám trên đó. Những lúc này, bọn trẻ con thường lội bì bõm xuống ao, gọi nhau í ới đi tuốt trứng cà cuống rồi nếm thử mùi hương ngan ngát tan hoà trong miệng. Phiên chợ Chèm nào cũng đầy rẫy cà cuống chín bày trên mẹt, có con sống bò lổm ngổm trong giỏ như cua.
Bọng tinh dầu trong bụng cà cuống đực, thoang thoảng mùi hương quế rất khó tả
Cà cuống có thể được chế biến làm thức ăn. Theo sử sách thì từ 200 năm trước Công Nguyên, cà cuống đã được xếp vào danh sách những loại sơn hào hải vị của người Việt để cống nạp cho Trung Hoa với tên gọi con sâu quế. Bọng tinh dầu trong bụng cà cuống đực, thoang thoảng mùi hương quế rất khó tả, là gia vị quý giá được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn.
Tinh dầu cà cuống không thể thiếu trong món bánh cuốn ngày xưa
Đứng từ xa còn ngửi thấy mùi ngòn ngọt, cay cay, quyến rũ của tinh dầu cà cuống pha với nước mắm, đúng như câu tục ngữ “cà cuống chết đến đít còn cay”. Chẳng thế mà trong tác phẩm Băm sáu phố phường, Thạch Lam đã thi vị hoá món ăn “Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm ngát, lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Hay như nhà văn Vũ Bằng đã coi cà cuống là một gia vị quý hơn cả bát trân.
“Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm ngát, lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một nghi ngờ”
Làng Chèm từ xa xưa đã nổi tiếng có nhiều cà cuống nhất Hà Nội, còn bây giờ, cùng với sự phát triển của nền công nghiệp với tốc độ chóng mặt, thì cà cuống làng Chèm dường như chỉ được biết tới như một cái tên địa danh mà thôi. Còn đâu những đầm, những vũng, những đường mòn ngập nước để cà cuống có thể tung tăng bơi lội như trong những tác phẩm một thời viết về ẩm thực Hà thành. Chợt tiếc thương, chợt nhớ để rồi lại thấy xao xuyến cứ mỗi khi hè tới, lao xao đâu đó từ trong kí ức dội về hình ảnh một người đàn ông mặc áo rách, đội một cái thúng vá trên đầu và xách một cái đèn dầu ở tay. Thỉnh thoảng, người đàn ông lại đánh rơi vào trong đêm khuya một tiếng rao… Hè về không có gió bấc, không có mưa phùn, đó là mùa cà cuống.
Người ta thường bảo, ăn bánh cuốn có nước mắm chắt, có giấm ớt chua cay mà không có mùi cà cuống thì cũng thành vô vị. Đành rằng, hiện nay đã có tinh dầu cà cuống hoá học nhưng hương vị của nó không thể ngon bằng cái thứ cà cuống nguyên chất làng Chèm được.
Giờ khó có thể tìm được cái hương vị “chính cống đó”, nhưng ở sâu trong ký ức của người dân Hà Thành thì đôi lúc hình ảnh bầy cà cuống từ đâu bay về, lao vào những ngọn đèn sáng cứ day dứt như một nỗi nhớ cháy lòng...