Cá đối kho dưa cải, thơm nồng tình quê
Trong dân gian miền Tây Nam bộ người ta thường ngâm nga câu ca: "Con cá đối nằm trong cối đá/ Con mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo/ Anh mà đáp đặng dẫu nghèo em cũng ưng". Cá đối kho dưa cải.
Trong dân gian miền Tây Nam bộ người ta thường ngâm nga câu ca: "Con cá đối nằm trong cối đá/ Con mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo/ Anh mà đáp đặng dẫu nghèo em cũng ưng".
Cá đối sống trong cả hai môi trường nước ngọt và nước lợ. Cá đối nước ngọt tuy không lớn bằng cá đối nước lợ nhưng độ thơm ngon thì hơn hẳn. Cá đối sông kích cỡ thường lớn hơn ngón tay trỏ, có lớp vảy màu ánh bạc. Trên những con sông rạch chằng chịt Tây Nam bộ, từ tháng Chạp đến tháng Giêng, tháng Hai năm sau, người ta thường chọn nơi có dòng nước chảy để ven đăng đặt nò. Ngoài tép bạc thì cá đối cũng chạy nò không ít. Bà con miền quê còn bắt cá đối bằng cách quăng chài, đặt vó hoặc giăng lưới.
Bắt từ dưới sông lên, cá đối còn tươi rói, nhảy lách tách, dùng dao đánh hết vảy, móc mang, ruột, rửa sạch để ráo.
Cá đối kho dưa cải.
Người dân vùng Bạc Liêu – Sóc Trăng dùng cải tùa xại để làm dưa. Cải cây được để nguyên bắp, phơi cho đến héo, rồi đem trộn với muối hột, đường, rượu với củ riềng. Chừng năm, bảy ngày sau cải chua, dân gian thường gọi là dưa cải.
Dưa cải vớt ra, rửa sơ qua nước lạnh, để ráo rồi xắt khúc cỡ lóng tay. Củ hành tím xắt lát, ít nấm rơm, … Cá đối ướp sơ qua nước mắm ngon, ít bột ngọt để thấm.
Bắc nồi đất lên bếp để nóng, phi mỡ tỏi cho thơm rồi gắp cá để vào kho. Để lửa riu riu, kho cá sôi mấy dạo thì cho dưa cải, nấm rơm và củ hành vào, nêm thêm hành lá, tiêu xay, … rồi nhắc xuống.
Để ăn kèm với cá đối kho, người dân quê thường hái dọt choại, đọt ráng hay rau chai, rau muống đồng, đọt khoai lang, … về luộc để chấm. Bên nồi cơm gạo mới tỏa hương thơm và nghi ngút khói, cá đối kho dưa chấm rau với vị cay nồng của ớt hiểm mới cảm nhận được hết vị đậm đà ở chốn đồng bưng sông nước.
"Cá kho chấm với rau đồng/ Xa quê vẫn nhớ hương nồng tình quê" – Ca dao.
Theo danviet.vn