Canh cá khoai - Món ăn dân dã mà say lòng người

Ngày trước, cứ mỗi khi nước lên, thuyền về bến, những chục cá khoai tươi rói theo các bà các chị tất tả chạy bán rong khắp các con ngõ nhỏ trong làng. Nay, thứ ăn dân dã của người miền biển đã trở thành đặc sản…

Ở Thái Bình, mùa cá khoai bắt đầu từ tháng 9 cho đến tháng 2 âm lịch, đặc biệt là vào những ngày trời nhiều sương mù là thời điểm có nhiều cá khoai nhất. Cá khoai có nhiều nhất ở vùng cửa biển Thái Thụy và Tiền Hải.

Ăn bát canh cá khoai sẽ thấy vị chua thanh mát của cà chua lẫn với vị ngọt bùi nhuốm mùi mặn mòi của biển cả trong từng miếng cá khoai (Ảnh: toquoc)

Là loại cá thân mềm, rất dễ ươn nên cá khoai đánh bắt lên thường được tiêu thụ ngay tại các bến cá và chợ ven biển. Không giống với các loại cá khác, loài cá này rất khó bảo quản, khó vận chuyển xa. Điều này lý giải cho việc vì sao có nhiều thực khách "nghiện" món cá khoai thường tìm về các vùng ven biển để được thưởng thức sự tươi ngon của các món ăn được chế biến từ loài cá này.

Người sành mua, chỉ cần nhìn vào mẹt cá, là biết con nào tươi con nào ươn. Con nào mang đỏ, thịt trong suốt, vi vây ánh hồng tự nhiên mới là cá tươi. Loại vây đen, thịt đục dứt khoát là cá ươn..

Ngày trước, cứ mỗi khi nước lên, thuyền về  bến, những chục cá khoai tươi rói theo các bà các chị tất tả chạy bán rong khắp các con ngõ nhỏ trong làng.

Ngày nay, khi đã trở thành đặc sản, cá khoai không còn được bán rong, nhưng những người chạy chợ cá vùng biển Thái Thụy vẫn bán cá khoai theo xiên. Mỗi xiên một chục - 10 con, xiên vào dây chuối bày lên mẹt bán hết veo trong buổi chợ chiều.

Bến cá Diêm Điền, Thụy Hải là điểm tiêu thụ nhiều cá khoai nhất vì cá mới đánh bắt còn tươi ngon dễ chế biến thành các món ăn đặc sản.

Cá khoai có thể chế biến thành nhiều món ăn đơn giản mà lại bổ dưỡng và hấp dẫn như cháo cá khoai, lẩu cá khoai,... nhưng có lẽ canh cá khoai lại là món ăn khoái khẩu hấp dẫn hơn cả bởi vị ngọt thanh, thơm mát.

Cá khoai mua về phải rửa sạch bằng nước muối pha loãng, cắt bỏ đầu, bỏ ruột nhưng nhớ giữ lại dạ dày vì dạ dày cá khoai ăn rất giòn, béo ngậy.

Mua cá về sắt ra thành hai hoặc ba khúc, đem tẩm ướp gia vị gồm mắm, mẻ, bột ngọt, gừng, sả, hành tỏi, ớt băm nhỏ. Phi thơm hành tỏi với cà chua sắt tư, cho nước vào nồi đun sôi rồi cho cá đã ướp gia vị vào, tiếp tục đun nhỏ lửa cho nồi cá sôi lên, cho thì là, hành lá, rau răm; không khuấy, đảo nhiều, tránh làm nát cá; chỉ nên đổ nước và cá ngang nhau vì cá khoai ra nhiều nước. Đặc biệt trong quá trình nấu cá, tuyệt đối không được dùng đũa, thìa quậy để tránh thịt cá tan trong nước.

Có điều rất thú vị mà các cụ xưa thường đúc kết là mùa nào thức ấy. Mùa Đông có nhiều loại rau để ăn sống, nhiều loại rau làm gia vị cũng thường được trồng nhiều vào mùa Đông như: hành tỏi, mùi, thì là... Đây cũng là mùa đánh bắt cá khoai.

Ăn bát canh cá khoai sẽ thấy vị chua thanh mát của cà chua lẫn với vị ngọt bùi nhuốm mùi mặn mòi của biển cả trong từng miếng cá khoai, thêm chút vị cay rân rân, tê tê đầu lưỡi củaớt... Tất cả hoà quyện vào nhau thành món ăn dân dã mà say lòng người. Điệu đà hơn, cho bánh đa bẻ vào ăn cùng thì ăn no mà không biết chán.

Bình luận của bạn