Chợt nhớ về Hà Nội với món đu đủ bò khô
Hàng thịt bò khô ngày ấy thường bán ở vỉa hè, nơi góc phố hay trước cổng trường, không cần la cà rao bán như hàng quà khác. Tiếng “đánh kéo” canh cách, một thứ âm thanh kim khí ngang phè, lập dị lúc to lúc nhỏ có một vẻ rất riêng
Hàng thịt bò khô ngày ấy thường bán ở vỉa hè, nơi góc phố hay trước cổng trường, không cần la cà rao bán như hàng quà khác. Tiếng “đánh kéo” canh cách, một thứ âm thanh kim khí ngang phè, lập dị lúc to lúc nhỏ có một vẻ rất riêng
Món đu đủ thịt bò khô không biết có ở Hà Nội từ bao giờ nhưng nó là kỷ niệm khó quên thời học trò, cùng bạn bè tụm năm tụm bảy đi tìm những quán quà vặt ngon tuyệt ở khắp các phố phường. Nhớ làm sao những sợi đu đủ xanh trắng muốt, nhỏ như sợi miến, giòn tan, không ra khô cũng chẳng ra ướt, ngập trong dấm ớt chua cay. Miếng thịt bò phơi khô thơm ngát mùi húng lìu, sẫm màu nâu đỏ, vừa quánh, vừa dai kéo theo vị chua của giấm. mùi tỏi thơm thơm, vị tương ớt cay tê đầu lưỡi, rồi hương thơm thoang thoảng của những cánh mùi xanh ngắt.
Không cồng kềnh gồng gánh thúng mủng như các hàng quà khác. Hàng thịt bò khô, chỉ gói gọn trong một ngăn hộp gỗ nhỏ, mặt trên là kính rộng dài non thước, đặt lên một chiếc giá chéo gập vào mở ra tùy ý. Trong hộp có đủ cả dấm chua, dấm ngọt, nước mắm, xì dầu, tương ớt và một lọ đầy tỏi ngâm dấm. Tất cả chai lọ nép mình bên ngăn bên phải. Ngăn trái xếp chồng lên nhau chục chiếc đĩa con, chục đôi đũa tre và chiếc khăn lau trắng. Khoảng rộng chính giữa đựng đầy đu đủ xanh nạo sẵn cùng những miếng thịt bò cả dầy lẫn mỏng và gan khô.
Khách hàng muôn thuở đông nhất vẫn là đám học trò choai choai. Khi khách đến ăn, ông hàng thịt bò khô nhanh tay bốc một dúm sợi đu đủ lẫn ít rau mùi bỏ vào đĩa rồi lấy kéo cắt miếng thịt loại dầy màu đỏ sẫm thành nhiều miếng nhỏ phủ lên trên. Sau đó, cắt thêm mấy lát thịt mỏng màu mứt mận dày hơn tấm bánh đa, ăn vào ròn ròn vị ngọt, thoang thoảng mùi gừng cay và hương liệu.
Ai không thích thịt mỏng thì ăn gan cháy. Cũng có người chuộng nhai món gan hoặc chỉ ưa món thịt rán giòn cuối cùng. Người bán cả hai tay cùng cầm một lúc, tay trái chai nước mắm pha xì dầu, tay phải chai dấm chua xóc đều vào đĩa đã bầy đầy đủ thứ trộn rất điệu nghệ, sau đó ông rưới qua một lượt giấm tỏi và tương ớt pha loãng đủ độ chua cay, động tác của ông dồn dập cứ như có sự thúc giục bằng ánh mắt thèm thuồng của khách. Người ăn đón đĩa quà chua cay hấp dẫn, vừa ăn vừa giàn giụa nước mắt nhưng lại thích thú, mê say.
Hàng thịt bò khô ngày ấy thường bán ở vỉa hè, nơi góc phố hay trước cổng trường, không cần la cà rao bán như hàng quà khác. Tiếng “đánh kéo” canh cách, một thứ âm thanh kim khí ngang phè, lập dị lúc to lúc nhỏ có một vẻ rất riêng. Còn những khách hàng choai choai chúng tôi ngày đó, không có chỗ ngồi thì tìm chỗ đứn hoặc ghếch xe đạp sát vỉa hè, ngồi trên yên, một chân chống xuống đất cứ thế mà ăn với vẻ hồn nhiên thích thú.
Ăn thịt bò khô phải gắp cả thịt lẫn rau, đu đủ mới tổng hòa được hết các vị cay, chua, ngọt dịu của thứ thịt bò phơi khô, cái dai của miếng thịt dày cộng với vị ngọt ròn ròn của miếng thịt mỏng hoặc với chất bùi bùi của gan cháy dầm trong nước dấm ớt chua cay và hăng hăng mùi tỏi. Dân nghiền thịt bò khô thế nào cũng mua thêm một hai miếng thịt dầy nữa bỏ vội vào miệng rồi mới trả tiền ra đi, vừa đạp xe vừa nhai tóp tép để "nghe ngóng" cái vị ngon thơm.
Đã 15 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần đưa con đi học tôi lại bắt gặp những hàng thịt bò khô mà chợt nhớ về những kỷ niệm thời đẹp nhất – thời nhất quỷ nhì ma… Thịt bò khô biết gây ảo giác nơi đầu lưỡi như một thứ bùa ma quái tạo niềm hưng phấn say mê khoái cảm cho nhiều thế hệ lúc còn nhỏ tuổi thanh thiếu niên rực rỡ sôi động. Thịt bò khô lâu không được ăn nhớ lắm.