Đặc sản Cá Niêng
Cá niêng sống dọc các khe suối vùng cao từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Ở Quảng Nam, cá niêng sinh trưởng tự nhiên trên các sông suối ở những huyện miền núi, nhưng nhiều và ngon nhất là cá niêng sông Tranh.
Cá niêng sống dọc các khe suối vùng cao từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Ở Quảng Nam, cá niêng sinh trưởng tự nhiên trên các sông suối ở những huyện miền núi, nhưng nhiều và ngon nhất là cá niêng sông Tranh.
Cá niêng là loại cá nước ngọt, thường sống theo bầy đàn, phát triển nhiều trên sông Tranh, một đoạn của sông Thu Bồn, vì nơi đây có những điều kiện thích hợp để cá sinh sống. Sông Tranh có lắm ghềnh thác, nước chảy xiết, cá niêng thích sống ở những vực xoáy dưới thác, ghềnh đá, nhất là dưới những chân thác bọt nước tung trắng xóa. Cá niêng có nhiều vảy và xương hom, hình dáng thoạt nhìn giống như cá chép, nhưng mình dài, và thon thả hơn. Người Co bản địa nhìn nó hao hao như con cá diếc nên gọi là Jia-liếc. Còn đối với người Hrê cá niêng là hiện thân cho cái đẹp toàn diện. Họ thường dùng cụm từ lem tia cai-lin (em đẹp như cá niêng), để khen ngợi những người con gái mới lớn xinh đẹp từ vóc dáng, tâm hồn đến tính cách.
Cá niêng con lớn dài đến 30cm, bề ngang gần 10cm, thân cá màu trắng bạc, lưng màu xanh nhưng không xanh bằng cá trích, phần vây pha chút màu vàng nhạt, óng ánh dưới ánh mặt trời, đầu nhọn giống lưỡi mác nên có người còn gọi là cá mác. Cá niêng ăn rêu và con hà bám trên đá, vào tháng Giêng, tháng Hai còn ăn thêm trùn nước. Khoảng cuối mùa đông - đầu mùa xuân, cá mẹ vượt thác đẻ trứng vào những hòn đá nhám, trứng dính vào đấy nở ra cá con, chúng theo dòng nước trôi xuống thác rồi sống tại đó. Cá niêng thường sống theo bầy nhưng ở trong các hốc đá dưới chân thác, dòng nước chảy xiết nên rất khó bắt. Người ta bắt cá niêng bằng cách giăng ngang lưới dưới thác rồi chèo thuyền ngược lên dùng gậy đập vào mạn thuyền hay đập xuống nước khiến cho cá hoảng sợ chạy tán loạn mà mắc vào lưới. Người câu cá niêng thì phải ngâm mình dưới nước, cần câu phải nằm dọc theo mặt nước và liên tục co duỗi tay theo chiều nước chảy, người dân địa phương gọi là câu thụt.
Cá niêng có thể chế biến nhiều món ngon như kho, nấu rau răm, luộc, nướng hoặc chiên, nhưng khoái khẩu nhất là món cá niêng luộc. Cho cá vào nồi, đổ nước xâm xấp mình cá, khi sôi để lửa nhỏ khoảng 10 phút, cho thêm cọng hành vào và nêm gia vị. Ăn món cá niêng luộc, sẽ cảm nhận được chất ngọt, béo của cá tươi hợp với mùi cay, thơm của các thứ rau rừng như cải tàu bay, rau dớn, ớt xanh, tạo nên một hương vị đặc biệt. Cá niêng nướng cũng rất ngon, cá được xếp trên một gắp bằng tre đặt cạnh đống lửa lớn, hơi nóng nung chín cá từ từ khiến cho cá vẫn giữ nguyên vị ngọt, thịt dai và thơm chứ không cháy sém. Cá niêng nướng chấm muối ớt ăn với rau dớn rất ngon hoặc cá niêng nướng xé nhỏ trộn với bắp chuối xắt mỏng, lá cốc, rau thơm, đậu phụng rang và gia vị sẽ thành món gỏi cá hấp dẫn vô cùng. Người ta còn lựa những con cá nhỏ, chiều ngang bằng hai ngón tay, đem chiên cho đến khi vảy xù lên, ngả vàng là cá đã giòn rụm. Cá chiên vàng mà chấm nước mắm ngon giã ớt tỏi thì thật tuyệt!