Đến Phú Thọ thưởng thức những món ăn đượm tình đất Tổ
Phú Thọ không chỉ có di tích lịch sử, những con sông, ngọn núi hùng vĩ. Đến với mảnh đất mưa nắng thuận hòa này, nhất định bạn phải nếm các món đặc sản nơi đây. Có lẽ, sự hấp dẫn của những món ăn dân dã chính là sợi dây níu chân bao du khách, đi rồi vẫn muốn trở lại đầy luyến tiếc.
Bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng trở thành thức quà quen thuộc trong văn hóa ẩm thực Việt. Ở Đoan Hùng, bưởi của xã Chí Đám và Bằng Luân là ngon nhất. Chỉ một lần nếm miếng bưởi với tép bưởi trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm, ta cũng tưởng như vị bưởi như đang tan vào tận ruột gan.
Những tép bưởi mọng nước hấp dẫn thực khách.
So với các loại bưởi khác như bưởi Da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Diễn thì bưởi Đoan Hùng có chút khác biệt. Bưởi có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1 kg, chín màu vàng sáng, vỏ hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, các tép bưởi mọng nước, màu trắng ngà.
Thịt chua
Thịt chua là một đặc sản của người Mường vùng Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Thịt để làm món này ngon nhất là loại lợn lửng do người Mường nuôi tự nhiên, quanh năm ăn củ và trái cây rừng. Nếu ai từng thưởng thức chắc hẳn sẽ không quên hương vị đặc trưng của nó.
Món này được chế biến từ thịt lợn và thính rang xay mịn.
Thịt chua có cách làm khá đơn giản nhưng cần có sự chọn lọc kỹ càng các nguyên liệu để có thành phẩm tốt nhất. Bởi thế, dù nhiều nơi cũng có món thịt chua nhưng chỉ ở Thanh Sơn – Phú Thọ, người ta mới tìm được thứ hương vị mà mình thích nhất.
Thịt chua ăn ngon nhất khi thưởng thức cùng với lá ổi, lá sung, đinh lăng, lá mơ tam thể, lộc vừng, nhội, rau thơm… Chỉ cần cho một miếng thịt chua thơm phức vào những chiếc lá này cuộn lại, chấm với tương ớt cay cay rồi nhai chậm rãi, đơn giản bấy nhiêu thôi mà thực khách có thể thưởng thức được bao hương vị chua, ngọt của thịt, thơm của gia vị, và cả sức sáng tạo tài tình trong ẩm thực của con người.
Cơm nắm lá cọ
Người ta chỉ biết đến cây cọ mà ít biết rằng, trái cọ cũng là một thứ quà ngon và là đặc sản của Phú Thọ. Khi những cơn gió đầu mùa se lạnh bắt đầu xuất hiện cũng là lúc quả cọ chín già, đen bóng, sai lúc lỉu.
Cơm nắm lá cọ
Để có nắm cơm lá cọ, người chế biến phải tìm lá cọ non của những cây cọ mới mọc thấp ngang thắt lưng. Cơm nấu chín, xới ra, dùng khăn ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn cho kỹ, cho nhuyễn, tùy khẩu phần ăn cho một hay nhiều người mà chia thành nắm to, nắm nhỏ.
Những nắm cơm được quyện với mùi cọ tạo nên hương vị riêng.
Sau đó cho vào tàu cọ, túm lại buộc một đầu, lăn qua lần nữa cho chặt. Từng nắm cơm với những chiếc lá cọ cứ thế đượm thơm mùi quê hương. Chấm cơm với muối vừng lạc hay sườn lợn rang muối, ta mới thấy hết được vị ngon, ngai ngái không nơi nào có được của món ăn dân dã này.
Rau sắn
Rau sắn không phải là món ăn sang trọng, nhưng đòi hỏi người chế biến phải rất cầu kỳ. Búp sắn non được ngâm nước cho bớt nhựa rồi vò nát, trộn thêm chút muối rồi đem bỏ vào vại ủ chua khoảng 4-5 ngày. Rau sắn thường được chế biến thành các món dân dã như rau sắn muối, canh cá rau sắn, nộm rau sắn, dưa sắn kho cá…
Rau sắn nấu với cá đồng.
Đặc biệt món cá đồng nấu với rau sắn cực ngon vì cá và rau sắn đều nhừ nhưng không bị nát. Khi ấy, vị ngọt cả cá, của rau, lại thêm vị chua hòa lẫn đạt đến độ tinh tế, ăn rất thanh mát.
Ngoài ra, người dân Phú Thọ hay dùng rau sắn để làm nộm. Ngọn sắn thái ra, ngâm với nước vo gạo, luộc kỹ, cho chút muối. Sau đó đổ ra rổ, dùng tay vắt kiệt nước rồi luộc lại một lần nữa rồi trộn đều với vừng, lạc, ớt, chanh, tỏi và các loại rau thơm... thành món nộm rất ngon mà lạ miệng.
Bánh tai
Bánh tai là một đặc sản mà hầu như làng quê Phú Thọ nào cũng có. Trước kia, bánh được gọi là bánh trai vì được nặn theo hình con trai. Nhưng về sau, dân gian gọi tắt là bánh tai . Nguyên liệu để làm món bánh rất đơn giản, chỉ cần gạo tẻ, thịt lợn và các loại gia vị cần thiết.
Vốn là thứ quà quê dân dã nhưng bánh tai được rất nhiều người dân Phú Thọ ưa thích, du khách đến vùng đất tổ cũng có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này.
Bánh tai là thức quà dân dã.
Để làm được chiếc bánh tai ngon, trước tiên phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo. Tiếp theo mới kể đến kỹ thuật làm bánh, cho nhân bánh. Qua bàn tay nhào nặn tài tình, những chiếc bánh tai nóng hổi đã ra lò thơm nức mùi bột quyện trong mùi thịt, hành ngây ngất.
Khi ăn bánh tai, phải nếm chậm rãi, cắn từng miếng nhỏ mới có thể cảm nhận hết được hương vị trong từng miếng bánh. Thưởng thức xong rồi mà mùi thơm của bánh vẫn còn phảng phất mãi chẳng rời.
Rêu đá
Thanh Sơn là mảnh đất rộng và có lẽ là nhiều đồi núi nhất của Phú Thọ. Nơi đây cũng sản sinh ra nhiều món ăn ngon, độc đáo. Nói đến rêu đá, nhiều người chắc chắn sẽ nghi ngại. Nhưng thực tế, đến với một số xã như Đồng Sơn, Thu Cúc, Thượng Cửu… của huyện này, quý lắm mới được người nơi đây đãi món này. Nó được coi như là một thứ rau sạch của những người vùng cao.