Dưa hành trong văn hóa Tết

Một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt, ít khi thiếu, chính là món hành muối chua mà chúng ta vẫn gọi là dưa hành được cha ông ta đúc kết trong câu ca dao: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Tiết trời đang giao thời chuyển từ mùa đông lạnh giá sang mùa xuân ấm áp. Một năm nữa sắp qua đi, những lo lắng, những gian lao, những gian lao, những bươm chải của năm cũ sắp khép lại, cũng là lúc chúng ta nghỉ ngơi, sum vầy, đoàn viên cùng gia đình đón Tết.

Người Việt khá thực tế, họ luôn xác định "có thực mới vực được đạo", có lẽ vì thế mà Tết là lễ hội nhưng họ cũng không quên chuyện ăn uống. Với người Việt, ăn Tết luôn chú ý đến vấn đề an toàn, đủ chất dinh dưỡng và hơn nữa thức ăn còn mang đến cho họ nhiều hy vọng thành công trong năm mới, một mâm cơm tươm tất mong cho năm mới sung túc được các gia đình hết sức chú ý. Mâm cơm ngày Tết của người Việt có rất nhiều món, cầu kì có, đơn giản có, từ cao lương mĩ vị đến những món vô cùng dân dã. Một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt, ít khi thiếu, chính là món hành muối chua mà chúng ta vẫn gọi là dưa hành được cha ông ta đúc kết trong câu ca dao: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

alt

Trên mâm cỗ, đĩa dưa hành thật khiêm tốn trong góc mâm, có lẽ cũng vì là món ăn rẻ tiền, nhưng nó lại cầu kỳ và được chờ đợi nhất. Dưa hành không cần ăn nhiều, chỉ cần điểm xuyết nhưng nhờ nó mà người thưởng thức thấy ngon miệng trong suốt những ngày Tết. Cũng có khi khách đến bất chợt, chủ nhà chẳng kịp dọn gì, chỉ có vài món đơn sơ cùng chiếc bánh chưng xanh, đĩa dưa hành. Lúc này, dưa hành vừa là một thứ gia vị đồng thời là một món ăn chính. Vị chua và mặn của nó lan tỏa vào vị giác khiến thực khách cũng phải gật gù. 

Dưa hành là món ăn bình dị, dân dã nhưng vô cùng độc đáo từ công đoạn chế biến lên men đến cách thưởng thức, ý nghĩa của mâm cỗ Tết cổ truyền mà theo y học nó còn là gia vị giúp người ăn tiêu hóa tốt và thấy ngon miệng hơn sau khi dùng những món giàu chất đạm.

Trông thì có vẻ đơn giản thế nhưng việc muối dưa hành không phải ai cũng có thể muối được dưa hành ngon. Củ hành muối phải chín mà không ủng nước, có màu trắng ngà, giòn không hăng, chua nhưng không gắt. Khi chọn hành để muối người ta thường chọn những củ hành nhỏ, không nên chọn củ hành to sẽ khó muối và khó ăn kèm với những món khác.

Vị chua giòn thơm của dưa hành cùng miếng thịt mỡ béo ngậy đã đủ đánh thức vị giác, đánh thức không khí Tết đang về trên khắp mọi miền đất nước. Điều đó đã trở thành thói quen trong văn hóa Tết người Việt. Đôi khi những người đi xa thèm một chút dư âm ngày Tết, tìm về cố hương chỉ để được ăn bánh chưng với món dưa hành chua chua, mằn mặn. Chỉ thế đã đủ để cảm nhận hương vị quê nhà. Chỉ thế thôi đã thấy đậm đà tình quê hương, đơn sơ mà bền chặt, gắn bó.

Cuộc sống luôn vận động và biến đổi không ngừng nhưng chắc chắn rằng, Việt Nam còn Tết thì còn bánh chưng và nhất định dưa hành sẽ là món ăn đồng hành cùng ngày Tết dân tộc.

VnCharm

 

(amthuc365)

 

Bình luận của bạn