Hạt nếp cẩm miền Tây Bắc

Nói tới cơm gạo, hẳn ai cũng nghĩ tới hạt gạo trắng trong. Bát cơm trắng thơm ngon như một biểu tưởng của sự ấm no, sung túc. Chẳng thế mà hạt gạo còn được gọi bằng cái tên mĩ lệ là “ngọc thực”.

Nói tới cơm gạo, hẳn ai cũng nghĩ tới hạt gạo trắng trong. Bát cơm trắng thơm ngon như một biểu tưởng của sự ấm no, sung túc. Chẳng thế mà hạt gạo còn được gọi bằng cái tên mĩ lệ là “ngọc thực”.

Trong dân gian, chúng ta thường nghe thấy người lớn dạy con trẻ "phung phí ngọc thực là phải tội"; hay cho rằng hễ ai đổ bỏ của "ngọc thực" sẽ bị "ông trời" quở trách. Nhưng có lẽ sắc màu sáng trong của hạt gạo mang ý nghĩa biểu tượng và nó chỉ đúng với những loại gạo thông thường ở đồng bằng. Còn ở nơi miền núi cao lại có nhiều loại gạo khác, trong đó có gạo nếp cẩm, đem lại những lợi ích rất lớn cho con người từ màu sắc tới hương vị và những tác dụng của nó.

alt

Những hạt nếp cẩm có màu sắc độc đáo

Khác với màu vàng óng của hạt lúa như bình thường, những bông nếp cẩm cho màu sắc rất lạ mắt. Bốc một nắm thóc trên tay ngắm nghía, ta có cảm giác như chúng là những hạt thóc bị cháy xém trong góc bếp. Ấy vậy mà khi bóc đi lớp vỏ trấu bên ngoài và đem thổi xôi, ta lại thấy chúng căng mọng, ánh lên một màu tím rất đẹp.

Ngày mới lên công tác vùng miền núi, tôi tò mò không biết bằng cách nào bà con dân tộc Thái ở Tây Bắc lại có thể làm được món xôi ngũ sắc mà trong đó có màu tím rất độc đáo. Một lần khác, vào độ tháng 11 âm lịch, khi vượt những con dốc cao với bạt ngàn hoa đào nở trong sương sớm, tôi được bà con ở bản Mông mời thưởng thức món bánh làm từ nếp cẩm. Ban đầu, khi trở về nhà với món quà là những chiếc bánh màu thâm đen, cứng như đá trên tay, tôi chẳng biết phải làm gì. Hỏi mấy người bạn thân mới biết phải cắt ra thành những miếng “đá đen” nhỏ, đem dán trên chảo mỡ nóng bánh mới nở phồng ăn rất thơm và dẻo. Thưởng thức những miếng bánh ấy hay nhâm nhi chén rượu cẩm đậm đà hương vị mới cảm nhận hết cái ngọt ngào ẩn chứa trong sự gai góc, khô cằn của những hạt lúa nương mọc giữa cọc cằn sỏi đá, giữa nhọc nhằn sỏi đá và mênh mang sương mù. Gần đây, nhiều bà con dưới xuôi cũng dùng gạo cẩm để nấu rượu nếp trong ngày giết sâu bọ hay làm món sữa chua nếp cẩm…

Một lần, trong chuyến “phượt” và cùng trò chuyện với người bạn là một bác sĩ đông y, tôi được biết thêm nếp cẩm cũng là một vị thuốc quý giá. Màu tía đó có tác dụng bổ máu rất tốt cho những người phụ nữ đang mang thai. Không những thế, nó còn có tác dụng chống lại ung thư đại tràng và ung thư phổi…

Mỗi dịp trở lại Tây Bắc, ngắm nhìn những nương lúa đang trổ bông, dù xa vời tầm mắt nhưng bất giác tôi lại nghĩ biết đâu đó cũng lại là một nương nếp cẩm để từ đó cho ra đĩa xôi, chiếc bánh giày thơm dẻo, cho chén rượu ngon hay cũng chính là vị thuốc tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng những con người cần mẫn trên mảnh đất vùng Tây Bắc này.

Theo danviet.vn

Bình luận của bạn