Kẹo kéo – ăn và nhớ

Thuở bé, ai mà chẳng chờ một tiếng rao lanh lảnh của mấy anh ve chai: “Ai, ve chai đổi kẹo kéo đê…ê..” là ba chân bốn cẳng ào ra ngõ, tay cầm mấy cái vỏ lon, giấy báo cũ xúm xít quanh cái thúng kẹo trắng tinh. Anh ve chai, lau sơ qua cái tay bằng một cái khăn vắt trên ghi- đông xe, kéo cho mỗi đứa một thanh kẹo bằng cái bút chì, trước con mắt thòm thèm của lũ trẻ. Thanh kẹo thật dài, nhưng cho vào miệng bỗng chốc hòa tan thành cái dư vị quá đỗi ngọt ngào…

Kẹo kéo trên phố phường Hà Nội hôm nay, tấp nập người mua; vì trẻ con ăn thì thấy thích, mà người lớn ăn thì thấy nhớ, nhớ tuổi thơ đã qua…

Thuở bé, ai mà chẳng chờ một tiếng rao lanh lảnh của mấy anh ve chai: “Ai, ve chai đổi kẹo kéo đê…ê..” là ba chân bốn cẳng ào ra ngõ, tay cầm mấy cái vỏ lon, giấy báo cũ xúm xít quanh cái thúng kẹo trắng tinh. Anh ve chai, lau sơ qua cái tay bằng một cái khăn vắt trên ghi- đông xe, kéo cho mỗi đứa một thanh kẹo bằng cái bút chì, trước con mắt thòm thèm của lũ trẻ. Thanh kẹo thật dài, nhưng cho vào miệng bỗng chốc hòa tan thành cái dư vị quá đỗi ngọt ngào…

Kẹo kéo - một món quà quê giản dị mà tuổi thơ nhiều người đã được nếm qua. Kẹo kéo bán rong, thường được đổi từ ve chai, giấy báo cũ, hay tóc rối. Anh chị ve chai kẹo kéo thường hấp dẫn trẻ con bằng những âm thanh rất đặc trưng: tiếng toe toe như cái còi phát ra từ một vỏ chai mềm, hay mấy bài đồng dao vui nhộn “kẹo kéo vừa dẻo vừa thơm” hay “Cô nào chồng bỏ chồng chê/ Ăn miếng kẹo kéo chồng mê lại liền”.

alt

Kẹo kéo thường làm từ mạch nha, lạc, vừng. Mạch nha được nấu thật khéo từ nếp, mộng lúa già. Thóc ngâm nước 4-5 hôm cho mọc mộng, rồi chọn mộng tốt đem phơi cho già nắng, lại lấy mộng khô này giã thành bột mầm. Bột mầm nấu với nếp đã thành xôi, cô đặc rất kì công, mới ra được mạch nha dẻo thơm, ngọt thanh, trong suốt.

Có cái tên kẹo kéo cũng xuất phát từ động tác lúc lấy kẹo của người bán hàng. Khéo léo của người bán kẹo kéo là kéo sao để kẹo được cả nha, và nhân lạc. Đến độ dài cần thiết của que kẹo, lấy tay chặt nghe giòn “khậc” một tiếng rất vui tai. Que kẹo cầm tay dinh dính, đưa lên miệng thấy vị bùi của lạc, của vừng hòa thơm trong cái dẻo, cái thơm, cái ngọt tự nhiên của mầm lúa gạo. Ăn một lại muốn ăn hai vì vẫn thòm thèm…

Tôi nhớ đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông viết trong truyện “Bong bóng lên trời”, cậu bé nhân vật chính giúp mẹ bằng nghề bán kẹo kéo sau giờ học. Tôi nhớ đến nhà văn Băng Sơn, trong một tản văn ông nhớ về mẹ qua tiếng rao “ai tóc rối đổi kẹo…”. Thanh kẹo kéo với mỗi người đều là sự ngọt bùi của kí ức.

Cuộc sống hiện đại, bánh kẹo tràn lan với nhiều loại thơm ngon, mẫu mã bắt mắt, nhiều trẻ con Việt Nam giờ đây không còn biết đến mùi vị độc đáo, thơm ngon của que kẹo kéo. Hình ảnh người ve chai cầm cái còi tự chế bóp toe toe đầu làng cuối xóm, hay ngân nga câu đồng dao “cô nào…” ngày xưa chỉ trong kí ức nhiều người. Kẹo kéo trên phố phường Hà Nội hôm nay, đông đúc người mua; vì trẻ con ăn thì thấy thích, mà người lớn ăn thì thấy nhớ, nhớ tuổi thơ đã qua...

VnCharm

(Báo Lao động)

Bình luận của bạn