Khô heo Trần Đề - Đặc sản xứ biển
Dùng chiếc đũa tre lật nghiêng miếng khô heo nhìn thử độ khô dưới ánh nắng, chị Thu tiếp lời: “Muốn khô heo ngon, phải chọn thịt tươi, phần thịt đùi. Đem thịt rửa qua nước sạch nhiều lần, thái miếng thịt cỡ hơn bàn tay người lớn và độ dày bằng nhau, sau đó loại bỏ hết các sợi gân dính trong thịt, kể cả mỡ heo
Qua tìm hiểu món khô heo được sản xuất tại gia đình chị Tạ Ngọc Thu, ở thị trấn Lịch Hội Thượng (Sóc Trăng) được biết, nghề này tiếp nối qua nhiều đời và tất cả các công đoạn làm khô hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, tốn khá nhiều thời gian, phải trải qua ít nhất 5 công đoạn mới ra thành phẩm.
Đưa khách tham quan khoảng sân khá rộng phía sau nhà làm nơi phơi khô, chị Thu bộc bạch: “Tôi bắt đầu làm khô heo từ năm 18 tuổi. Thời đó thấy mọi người trong gia đình làm nên tò mò học hỏi, định học cho biết làm món này, món nọ nhưng khi đã làm được món khô thành phẩm, ăn thử cảm nhận thấy ngon miệng nên quyết định học nghề. Qua hơn 25 năm theo nghề, tôi có bí quyết riêng là không cần dùng bất kỳ chất bảo quản nào mà khô vẫn để được lâu ngày”.
Những miếng thịt khô heo đã thành phẩm.
Dùng chiếc đũa tre lật nghiêng miếng khô heo nhìn thử độ khô dưới ánh nắng, chị Thu tiếp lời: “Muốn khô heo ngon, phải chọn thịt tươi, phần thịt đùi. Đem thịt rửa qua nước sạch nhiều lần, thái miếng thịt cỡ hơn bàn tay người lớn và độ dày bằng nhau, sau đó loại bỏ hết các sợi gân dính trong thịt, kể cả mỡ heo. Hoàn tất công đoạn đó, bắt đầu ướp thịt với gia vị, phải gia giảm từng loại phù hợp để ra thành phẩm vừa ăn. Ướp gia vị xong lưu giữ thời gian nhất định cho thịt ngấm hết gia vị rồi đem phơi nắng. Để miếng thịt giữ được màu sắc tự nhiên, dùng sợi dây xiên qua thịt và treo lên cây sào, nơi có ánh nắng tốt. Nếu gặp nắng to, thịt phơi khoảng 1,5 ngày nắng sẽ thưởng thức được. Thời gian thịt khô bảo quản ngoài tự nhiên từ 2 tháng đến 3 tháng, còn nếu để vào ngăn mát tủ lạnh thì đến 6 tháng”.
Ngoài món khô heo “trứ danh”, chị Thu còn làm món lạp xưởng heo tươi được khách hàng rất ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày chị Thu làm khoảng 20kg thịt mỡ, cho ra thành phẩm là 10kg lạp xưởng tươi, giá bán từ 200.000 đồng đến 220.000 đồng/kg. Tổng số tiền từ bán thịt heo khô và lạp xưởng tươi, trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng 300.000 đồng/ngày.
Chị Thu cho biết: “Đây là nghề truyền thống gia đình do ông ngoại truyền lại nên chị vẫn tiếp tục giữ nghề và hướng tới sẽ tăng số lượng sản phẩm, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ để quảng bá mặt hàng khô heo, lạp xưởng tươi của Trần Đề đến đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh vì mặt hàng đã có đầy đủ các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lịch Hội Thượng Dương Thanh Ngân cho biết: “Trên địa bàn thị trấn có 5 hộ làm nghề khô và nghề này được khởi phát khá lâu đời theo hình thức gia truyền. Tuy nhiên, số hộ trên còn sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún nên địa phương đang tiến hành vận động các hộ tham gia vào tổ hợp tác nhằm tạo sự liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm với số lượng lớn để tiếp cận với các cơ sở kinh doanh lớn hay các nhà hàng, siêu thị, quán ăn, giúp người sản xuất tăng lợi nhuận cũng như tạo được nhãn hiệu riêng về sản phẩm khô heo sản xuất tại địa phương”.