Kiếm bạc tỷ từ thuần dưỡng cá Koi

Đây là loài cá cảnh của vùng xứ lạnh Nhật Bản, được xem là quốc ngư của đất nước này, rất đẹp nên giá cực đắt. Nếu nuôi lớn đến khoảng 20-30kg một con, giá có thể lên đến hàng trăm ngàn USD mỗi con. Thấy được tiềm năng to lớn của con cá này, ông Lê Hữu Dũng (Quận 7, TP HCM) cùng con trai Lê Hữu Thanh đã quyết chí nhập về và thuần dưỡng để nuôi đại trà ở vùng xứ nóng Việt Nam.

Một con cá Koi loại lớn (5kg) có giá lên đến 2.000 USD. Hàng tháng, công ty của ông Lê Hữu Dũng cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 con cá Koi thành phẩm.

Đây là loài cá cảnh của vùng xứ lạnh Nhật Bản, được xem là quốc ngư của đất nước này, rất đẹp nên giá cực đắt. Nếu nuôi lớn đến khoảng 20-30kg một con, giá có thể lên đến hàng trăm ngàn USD mỗi con. Thấy được tiềm năng to lớn của con cá này, ông Lê Hữu Dũng (Quận 7, TP HCM) cùng con trai Lê Hữu Thanh đã quyết chí nhập về và thuần dưỡng để nuôi đại trà ở vùng xứ nóng Việt Nam.

Vượt qua bao thăng trầm, sau 2 năm dày công thuần dưỡng và lai tạo cuối cùng cha con ông cũng thành công. Loại cá nhỏ nhất (0,5kg) được rao giá một triệu đồng mỗi con, còn những loại to nhất ước chừng khoảng 3-5kg mỗi con thì giá bán khoảng 2.000 USD một con. Lê Hữu Thanh tiết lộ, do 2 cha con anh đã thuần hóa và nuôi được ở Việt Nam nên giá bán này đã rất “mềm”, chứ theo giá trên thế giới phải mắc hơn gấp 3-4 lần.

alt

Không chỉ bắt mắt với màu sắc đẹp, cá Koi còn hấp dẫn bởi yếu tố phong thủy và nguồn gốc xuất thân. Theo giới chơi cá tại đất Sài thành, cá Koi đã vượt qua cả cá rồng, trở thành loại cá có tác dụng phong thủy đứng hàng đầu trong thị trường cá cảnh hiện nay, bởi đây là dòng cá của Hoàng gia Nhật Bản. “Hiện chúng tôi đã lai tạo được đủ 9 loại cá với các màu sắc khác nhau đáp ứng các yêu cầu về phong thủy của khách hàng, gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc”, Lê Hữu Thanh cho biết.

Theo ông Lê Hữu Dũng, người cha, cũng là Giám đốc Công ty Hải Thanh, gia đình ông theo nghề cá cảnh từ năm 1989, lúc đó ông nuôi cá dĩa, rồi năm 1993 chuyển qua nuôi cá biển, xây dựng mấy cái thủy cung cho Khu du lịch Suối Tiên (TP HCM) và một số ở Nha Trang. Người con trai cả lớn lên, mê tít những cái thủy cung của cha, quyết chí “bám đuôi” theo cha xin làm “đệ tử”.

Năm 2005, hai cha con có dịp sang Nhật tham dự một cuộc triển lãm cá cảnh quốc tế, nhìn thấy những con cá Koi tuyệt đẹp, to như những con cá biển lớn ngoài khơi, với giá bán cao ngất ngưởng từ mấy chục đến cả trăm ngàn USD một con. Nếu nuôi tốt, cá Koi có thể dài hơn một mét với trọng lượng hơn 30kg, giá cả khi đó có thể lên đến 300.000 USD một con hoặc vô giá. Cá này có hình dáng giống như cá chép (nên còn được gọi là cá chép Nhật Bản). Quá mê mẩn, hai cha con lang thang suốt mấy ngày trong hội chợ và bắt đầu ấp ủ giấc mơ đem bằng được con cá này về Việt Nam.

Năm 2006, họ nhập về lô hàng đầu tiên gồm 25 con cá Koi bố mẹ trị giá 45.000 USD. Nhưng niềm vui chưa được tày gang, thì hơn một triệu con cá bột do cá bố mẹ sinh ra bắt đầu thi nhau… chết. Ngày đầu chết 30% rồi mấy ngày sau chết sạch, những con cá bố mẹ cũng ngả bệnh rồi chết theo. Hai cha con như “đứng hình”, không biết làm sao cứu. Rồi họ lại cắn răng nhập về đợt thứ 2 và cá cũng tiếp tục lăn ra chết hết.

Sau khi tìm hiểu, ông Dũng phát hiện do cá bị “sốc” môi trường, từ nhiệt độ, khí hậu đến nguồn nước. Cá Koi Nhật Bản đã sống quen với môi trường khí hậu lạnh nay chuyển sang khí hậu nóng nên không chịu nổi. Kèm theo đó là đủ thứ vi khuẩn lạ trong nguồn nước, môi trường sống mới khiến cá mắc đủ thứ bệnh. Thế là 2 cha con phải “cắp cặp” qua Nhật Bản học lại kỹ thuật thuần dưỡng và nuôi cá.

Năm 2009, cha con ông sang Nhật tham gia phiên đấu giá cá Koi đầu tiên tại trang trại Motorato tỉnh Okayama. Đây là nơi đấu giá những con cá Koi giống chất lượng hàng đầu của Nhật. Ở “phút 89”, Việt Nam vượt qua các “anh lớn” trong làng cá Koi trên thế giới như nước chủ nhà Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... để giành được chú cá Koi đẹp nhất tại phiên đấu giá với giá đấu là 12.000USD. Đó là chú cá Koi dòng Showa dài 48cm, mẹ của nó đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá với chiều dài 116cm.

Trước tiên con cá này rất kỵ với phèn, trong nguồn nước có tí phèn cá cũng không sống được nên trong các bể, hồ nuôi phải lọc thật sạch phèn, sau đó mới giải quyết đến vấn đề nhiệt độ. Trong đợt nhập cá về lần 3, vừa về tới Việt Nam, hai cha con đã đưa cá vào ngay trong phòng cách ly, rồi chạy nhiệt độ đúng với nhiệt độ mà cá đã quen sống bên Nhật (khoảng 18 – 20 độ C) để cá hồi phục. Qua 2-3 ngày sau khi thấy mọi việc đều ổn mới tăng lên 1 độ C. Cứ thế cách vài ngày lại tăng lên 1 độ để cá làm quen từ từ với khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Đến lúc bằng với nhiệt độ bên ngoài thì mới thả cá ra môi trường tự nhiên. Đây gọi là giai đoạn thuần nhiệt độ.

Lúc này hai cha con lại phải tiếp tục bổ sung thêm vitamin, vi lượng, kháng sinh để tăng sức đề kháng cho cá chống chọi dịch bệnh, làm quen với môi trường sống ở Việt Nam. “Cá mới nhập về 3 tuần đầu không dám cho ăn gì. Sau đó mới bắt đầu cho ăn từ từ, mỗi ngày một ít, khi nào thấy ổn mới dám tăng lên một  chút.

"Cực khổ còn hơn nuôi em bé mới sinh”, Lê Hữu Thanh nhớ lại. Rồi họ phải thử nghiệm trên nhiều loại thức ăn với liều lượng khác nhau mới tìm ra được liều lượng và chất lượng thức ăn chuẩn theo mong muốn. Tương ứng theo đó, lượng cá chết giảm dần đi. Trong lần thứ 3 nhập cá về, lượng cá chết chỉ khoảng 50-60%, mấy lần sau không còn cá chết nữa.

Hai cha con chính thức bắt đầu công cuộc nuôi đại trà theo quy mô công nghiệp và tung cá thành phẩm ra thị trường, gây dựng nên một phong trào chơi cá Koi cho thị trường cá cảnh Việt Nam. Ông Dũng cho biết nhu cầu của thị trường hiện đang rất cao, công ty sản xuất ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Hiện hàng tháng công ty cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 con cá thành phẩm, doanh thu hàng năm trên 20 tỷ đồng. "Đây là một nghề nuôi có lợi nhuận khá cao, một lời một", ông Dũng cho biết.

VnCharm

Theo VnExpress

Bình luận của bạn