Lai lịch cơm cháy "tình yêu" ở Ninh Bình

Từ hơn 100 năm nay, món cơm cháy đã được lưu truyền và trở thành đặc sản ẩm thực vùng đất Cố Đô. Cơm cháy đi vào lòng người qua những câu thơ: "Rượu ngon cơm cháy thịt dê Ninh Bình chào đón khách về tham quan”...  

Từ hơn 100 năm nay, món cơm cháy đã được lưu truyền và trở thành đặc sản ẩm thực vùng đất Cố Đô. Cơm cháy đi vào lòng người qua những câu thơ:

"Rượu ngon cơm cháy thịt dê

Ninh Bình chào đón khách về tham quan”...

alt

Theo tương truyền, thời Pháp thuộc cuối thể kỷ 19, ở Ninh Bình có người thanh niên trẻ tuổi tên Đinh Hoàng Thăng ra Hà Nội làm công cho một hiệu ăn lớn của người Hoa. Hoàng Thăng đem lòng yêu con gái ông chủ nhưng bị nhà chủ phản đối. Do không lấy được con gái ông chủ, Hoàng Thăng bỏ việc, trở về quê nhà. Trong thời gian làm việc tại hiệu ăn, Hoàng Thăng đã học được không ít bí quyết chế biến các món ngon, ông đã sáng tạo xây dựng một nhà hàng ăn chuyên về cơm cháy. Sau này, Đinh Hoàng Thăng lại được ông chủ cũ mời cộng tác mở nhiều nhà hàng mới và gả con gái cho. Từ đó, món cơm cháy thơm ngon do ông làm ra luôn gắn liền với câu chuyện tình yêu cảm động. Sau thành công của ông, nhiều cửa hàng khác dần mọc lên với món đặc sản - cơm cháy Ninh Bình.

Món cơm cháy bao gồm cơm cháy, thịt bò hoặc tim, cật lợn xào với hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua. Công đoạn nấu cơm để làm cơm cháy cũng đòi hỏi cầu kì, tỉ mỉ. Để có món cơm cháy thơm ngon thì người ta thường dùng gạo nếp Hương, hạt gạo tròn và trong. Gạo phải được nấu lên sao cho thật vừa nước, đủ độ dẻo. Nấu bằng than củi là tốt nhất và phải giữ cho lửa thật đều, tạo cháy ở khắp đáy nồi, không chỗ dày, chỗ mỏng. Người ta thường dùng nồi gang dày để nấu cơm. Khi cơm chín tới phải nhanh lấy hết ra chỉ để lại phần cháy dưới đáy nồi. Rồi tiếp tục đun, lúc này vừa đun phải vừa xoay tròn nồi cho cơm chín đều, lớp cơm cháy mỏng, trắng đều sẽ được hình thành và tự bong ra khỏi thành nồi.

alt

Tiếp đó, những miếng cháy được lấy ra khỏi nồi bẻ vừa vặn và đem phơi (hoặc sấy) cho thật khô để dễ bảo quản, cơm cháy thường được đem bọc kín trong túi nilon dùng dần. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo. Khi ăn mới cho những miếng cháy vào chảo dầu sôi chiên lên. Nếu chiên để qua buổi, qua ngày, cơm sẽ bị hôi dầu và bã, không ngon. Thưởng thức cơm cháy Ninh Bình, thực khách cảm nhận được cả vị nắng xen kẽ trong từng hạt cơm và chất chứa cả những tinh hoa trong hạt “ngọc thực” chắt chiu những tần tảo của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ.

Những miếng cơm cháy giòn tan còn trở nên hấp dẫn hơn bởi các loại nước chấm ăn kèm. Nước sốt sóng sánh vị của nước mắm mỡ hành, ruốc… cũng có khi là tương nếp luôn là sự lựa chọn hàng đầu khi thưởng thức cùng cơm cháy. Tại nhiều nhà hàng ở Ninh Bình, nước sốt được làm từ chính thịt dê tạo nên sự kết hợp độc đáo cho hai món ăn đặc sản nơi đây. Nước sốt ăn kèm cơm cháy thường có vị cay, thơm, đủ độ sánh để ngấm vào miếng cháy.

Cơm cháy được người dân nơi đây chế biến và bày bán quanh năm, bất kể mùa đông hay mùa hè. Ngày lạnh người ta thưởng thức món cơm cháy chà bông (ruốc), còn mùa nóng là cơm cháy kèm nước sốt thơm ngon. 

Ngày nay, ở Ninh Bình có nhiều nơi kinh doanh món cơm cháy, nhưng món cơm cháy gia truyền của ông Hoàng Thăng thường được dân gian coi là nổi tiếng nhất. Đó là món cơm cháy mang theo dự vị ngọt ngào, thiết tha của những người yêu nhau trong sự đợi chờ mà còn lưu giữ và gửi gắm vào đó một thông điệp ngọt ngào: “hãy vươn lên trong cuộc sống, luôn mở rộng vòng tay, hạnh phúc sẽ đến”.

VnCharm

Nguồn tham khảo

http://kenh14.vn/made-by-teens/lai-lich-com-chay-tinh-yeu-o-ninh-binh-20120503071532497.chn

Bình luận của bạn