Lên Tây Giang ăn gỏi tr’đin
Đọt non của cây tr’đin có chất dịch có thể chế biến rượu tr’đin. Chỉ cần cho chất dịch thơm, ngọt… từ buồng trái của cây tr’đin lên men với vỏ cây chuồn (apăng) sẽ được loại rượu rất thơm ngon, rượu có vị ngọt, đắng nhẹ, khay khay… làm tê tê đầu lưỡi như “nhấp” sâm banh.
Đọt non của cây tr’đin có chất dịch có thể chế biến rượu tr’đin. Chỉ cần cho chất dịch thơm, ngọt… từ buồng trái của cây tr’đin lên men với vỏ cây chuồn (apăng) sẽ được loại rượu rất thơm ngon, rượu có vị ngọt, đắng nhẹ, khay khay… làm tê tê đầu lưỡi như “nhấp” sâm banh.
Cây tr’đin còn gọi là tà đin hay đủng đỉnh núi, thường mọc nơi ẩm ướt, râm mát, gần các khe suối trong rừng. Ngoài ra, người Cơ Tu còn trồng cây tr’đin bằng hạt, người có kinh nghiệm thường chọn giống từ cây to, cao, lấy hạt dẹt (hạt cái). Một cây tr’đin cao chừng 10m, có đường kính gốc gần 0,5m, thường ra 4 – 5 buồng trái, một buồng ra hàng ngàn trái, một trái thường 1 – 2 hạt.
Gỏi tr’đin với mối cánh.
Cái đặc sắc thứ hai là phần cổ hũ (đọt non) của cây tr’đin, người Cơ Tu gọi là “lam tr’đin”. Người ta chọn những cây tr’đin mọc dày, không phát triển, chặt lấy đọt, bóc ra lấy phần lõi non của cây. Cổ hũ tr’đin dùng để nướng, chiên, xào, làm gỏi… hoặc nấu, kho với các loại thịt rừng hoặc tôm, cá rất thơm ngon. Trong mâm cơm cúng Yàng và các vị thần linh trong Lễ ăn mừng lúa mới của người Cơ Tu ở Tây Giang (Quảng Nam) luôn có các món lam tavak, lam tr’đin, lam đọt mây (adương) nướng rất thơm ngon. Thông thường, nhà trai mang quà đến nhà gái, thăm sui gia trong những ngày lễ tết của người Cơ Tu, họ thường mang lam tavak, lam tr’đin đến biếu.
Ở vùng núi biên giới giáp với Lào, ở xã Bhalêê (Tây Giang – Quảng Nam) khách đến chơi nhà được thưởng thức món “gỏi tr’đin”. Chủ mang rựa ra vườn rừng chọn một cây tr’đin vừa phải, chặt ngọn, lột bỏ bẹ già, rửa sạch để ráo, xắt chế biến món gỏi (ađiing). Có thể lấy một lon tép khô, khử dầu phụng (thứ thiệt) bỏ vào vài tép tỏi đập dập, khi dầu và tỏi bốc mùi thơm, bỏ tép (tép bắt dưới suối phơi khô) hoặc mối cánh vào khuấy đều, nêm nước mắm, gia vị… sau đó đổ lam tr’đin đã xắt nhỏ vào xoong, đảo nhiều lần cho đều; rải đậu phụng rang (giã dập), rau thơm, ớt, tiêu rừng (amất) vào. Món gỏi này ăn vừa giòn vừa thơm, mát ngọt… “nổi trội” hơn các nguyên liệu khác như tù hủ dừa, cau, chà là… Vừa ăn vừa uống rượu tr’đin thì đúng điệu. Thích thú hơn, dùng bánh tráng nướng vàng ươm để xúc, nhai rôm rả mà nghe thấm đậm hương vị núi rừng đại ngàn Trường Sơn hoang dã.
Theo các già làng, người Cơ Tu sống gần với lam sơn chướng khí nên cũng gặp một số bệnh, tay chân ứ nước (phù), bụng tích nước (cổ trướng), thở khó khăn do bụng tích lớn mà sau này tây y gọi là bệnh viêm cầu thận mãn tính. Đồng bào Cơ Tu khi bị bệnh này thường dùng lam tr’đin nấu canh với một con cá trê vàng, không cho muối, chỉ cho chút ít bột nêm cho dễ ăn hoặc ăn món gỏi tr’đin nêm nếm lạt. Mỗi ngày ăn hai bữa chính, ăn chung với cơm hoặc ăn cơm với gỏi tr’đin nêm lạt. Ăn như vậy liên tục trên nửa tháng thì bệnh sẽ giảm hoặc khỏi. Đây chỉ là cách điều trị theo kinh nghiệm dân gian bản địa, nhưng lam tr’đin cũng chỉ là một loại rau rừng thơm ngon.