Lên Tây Nguyên thưởng thức cà đắng
Là món ăn dân dã từ ngàn xưa của đồng bào dân tộc thiểu số, ngày nay cà đắng lại trở thành một trong những nguyên liệu tạo ra món ngon đặc sản Tây Nguyên. Tinh túy của khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên vị đắng rất riêng, đặc trưng của loại cà mọc hoang dại này.
Trong văn hóa ẩm thực Kon Tum, cà đắng là nguyên liệu quen thuộc và không thể thiếu. Cà đắng có thể làm thành nhiều món ăn khác nhau, đầu tiên dễ làm nhất là món cà đắng hơi già đâm cùng ớt, trộn với cá khô nướng làm món gỏi đơn giản để nhậu. Món ăn này cho vị đắng đến tê tái nhưng càng ăn càng thấm vị ngọt, và là đặc sản để uống rượu. Bên cạnh đó, cà đắng được nấu thành nhiều món như kho cá khô, nấu cùng nhiều loại thịt như heo, bò, dê,….cùng các loại thủy hải sản khác đều rất ngon.
Về những bản làng ở Kon Tum sẽ thấy những bữa ăn được nấu với cà đắng lạ miệng. Phải kể đến món đặc trưng là đầu cá trích khô giã nát rồi xào sơ trước khi nấu cùng cà đắng, món ăn này rất độc đáo được người dân nơi đây yêu thích. Bên cạnh đó họ còn chế biến một số món khác như cá hộp, thịt ba chỉ, lòng gà,…nấu cùng cà đắng dễ ăn hơn. Rồi cà đắng có thể luộc mềm, giã nát rồi nấu cùng cá nục hấp với tỏi thơm nồng nàn, thêm chút măng rừng xé thành sợi ăn đến đâu thấm vị ngọt, vị đắng đến đó.
Dù cà đắng khá quen thuộc trong văn hóa ẩm thực Kon Tum, nhưng với những người lần đầu tiên thưởng thức cà đắng sẽ rất khó ăn, vì thực sự rất đắng. Nhưng sau một vài miếng hơi chối ban đầu du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt có sẵn trong từng miếng cà, một vị ngọt rất đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên nắng gió.
Bên cạnh những món ăn có thể chế biến tươi, thì người dân nơi đây vẫn thường trữ cà đắng bằng cách cắt cà thành nhiều miếng phơi khô, treo lên giàn bếp và dùng dần. Đặc biệt lúc nấu vẫn không làm mất đi vị đắng đặc trưng.
Từ một món ăn của núi rừng, hiện nay cà đắng đã được những bà con nơi đây đem giống về trồng trong vườn nhà. Đây cũng là một thuận lợi với khách du lịch để tìm đến và thưởng thức món cà đắng rất đặc biệt này.